Multimedia Đọc Báo in

Vui, buồn chuyện học, chuyện làm online

15:43, 12/09/2021

Trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp này, khi mà ai ở đâu ở yên đấy, mọi công việc, học tập, giải trí đành phải chuyển sang hình thức online. Làm việc, học hành online cũng phát sinh bao chuyện buồn – vui…

Ông bà học online cùng cháu

Gần tháng nay, vợ chồng tôi – hai cựu nhà giáo - thành “trợ giảng”.

Chuyện là thế này: Hai đứa cháu nội từ TP. Hồ Chí Minh về nghỉ hè rồi bị “kẹt” lại nhà ông bà bởi dịch COVID-19. Đầu tháng 8, các trường tổ chức học online. Thế là ông bà lại phải chạy ngược chạy xuôi lo sách vở, dù ở thành phố bố mẹ cháu đã sắm đầy đủ.

Thời khóa biểu học online kín cả ngày, không chỉ các cháu mà cả ông bà nội cũng vất vả. Cháu gái đã qua lớp 3 rồi còn đỡ, chứ cháu trai năm nay mới vào lớp 1 thì quả là vất vả. Tuần đầu chưa quen cách học, cháu có vẻ e ngại, nhiều lúc ngồi ngẩn tò te trước màn hình máy tính.

Em Nguyễn Linh Đan, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (TP. Buôn Ma Thuột) học trực tuyến. Ảnh: Gia Nguyên
Em Nguyễn Linh Đan, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (TP. Buôn Ma Thuột) học trực tuyến. Ảnh: Gia Nguyên

Hôm nào cũng vậy, ông bà phải thay nhau động viên và làm công việc của một “trợ giảng”. Thế nhưng, thực hiện được nhiệm vụ “trợ giảng” ấy cũng không phải dễ. Đang tuổi ăn, tuổi chơi nên việc ngồi trước màn hình máy tính để học là một thử thách lớn đối với tuổi lên 6 của cháu. Cu cậu chẳng thể tập trung chú ý nổi dăm phút, hết nghiêng bên này ngả bên nọ. Thỉnh thoảng lại “cúp học” chạy đi làm việc riêng, uống nước hay vệ sinh.

Lớp của cháu có 25 bạn. Quan sát thì thấy cả 25 bạn đều có “trợ giảng” là cha mẹ hay ông bà nội, ngoại. Nhiều khi, các cháu quên tắt micro, tiếng các “trợ giảng” cứ la oang oang, át cả tiếng cô giáo.

Thử thách lớn nhất đối với cháu là môn Tiếng Anh. Cháu ngồi ngẩn tò te. Cũng đúng thôi, tiếng mẹ đẻ cháu còn chưa sõi thì làm sao học nổi tiếng Anh qua màn ảnh nhỏ?

Rất nhiều chuyện dở khóc, dở cười như thế về những buổi học online của các cháu. Có lẽ với học sinh lớp 1, hình thức học tập này vượt quá năng lực mọi mặt của các cháu do những hạn chế bởi tâm sinh lý lứa tuổi và trình độ tiếng Việt? Nghĩ lại, thấy cháu mình quả thật còn may mắn bởi có ông bà – những nhà giáo nghỉ hưu rảnh rỗi - có thể thay nhau làm “trợ giảng”, giúp việc học online của các cháu đỡ khó khăn, vất vả hơn.

Đau đầu vì “rớt mạng”

Khi người người online, nhà nhà lên mạng thì chất lượng đường truyền Internet trở thành câu chuyện được quan tâm không kém gì những tin tức thời sự. Bố mẹ làm việc online, con trẻ học online, những người còn lại thì giải trí, cập nhật tin tức cũng online nên nỗi lo rớt mạng bỗng trở nên ám ảnh.

Trước dịch, nơi tôi ở, hai gia đình thường chung nhau một gói cước Internet bởi ban ngày hầu như người lớn đi làm, trẻ con đi học hết, chẳng còn ai ở nhà, buổi tối cũng chỉ dùng mạng một lúc. Nhưng đến đợt dịch thứ tư này khi nhà nhà, người người đều phải online để làm việc, học tập thì việc chung đường truyền Internet không còn khả thi.

Sau một thời gian ngắn gặp trục trặc với chất lượng mạng của doanh nghiệp A, tôi đã đăng ký gói cước Internet của nhà mạng B. Thủ tục đăng ký, thanh toán đều làm online một cách nhanh chóng và chỉ trong vòng 12 giờ nhân viên kỹ thuật đã lắp đặt xong. Cứ tưởng từ nay cả nhà “lướt net thả ga” như slogan của nhà mạng nhưng cuối cùng lại thất vọng tràn trề. Buổi tối con học trên Zoom, dù đã ngồi ngay gần thiết bị phát sóng nhưng vẫn có lúc bị rớt mạng, có lúc thì hình ảnh một đường, âm thanh một nẻo. Sau buổi học mẹ phải cầu cứu cô giáo gửi tài liệu qua Zalo bởi phần quan trọng lại rơi vào đúng lúc con không nghe được gì. Ban ngày mẹ đang hăng say dạy học trên MS Team thì bỗng nhiên… bị out ra khỏi lớp, sinh viên ngơ ngác nhắn hỏi trên Zalo “cô đâu mất rồi?” Đến lúc cô vào lại được lớp thì một số sinh viên lại nhắn Zalo “cô ơi, em tự dưng bị đá bay ra khỏi nhóm”. Cô trò cười chảy nước mắt vì sự cố rớt mạng chẳng chừa một ai cho dù đang dùng của nhà mạng A hay B, laptop hay 4G, 5G trên điện thoại!

Dù anh nhân viên kỹ thuật có dặn nếu gặp sự cố truy cập chỉ cần gọi là có người đến khắc phục ngay nhưng đang lúc hạn chế tiếp xúc người lạ nên đành ngậm ngùi tự an ủi mình: thà chậm, thà đợi một chút mà an toàn còn hơn! Vậy nên cho dù có được nhà mạng hứa hẹn đường truyền cực mạnh thì những lúc con hoặc mẹ học, dạy online là những thành viên khác tự biết nên tắt tivi thông minh hoặc bỏ điện thoại xuống để “nhường mạng”.

Duy Xuân – Bình An


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​