Multimedia Đọc Báo in

Đồng hành với trẻ nghèo học trực tuyến

07:56, 13/10/2021

Nhằm sát cánh cùng học sinh, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện trong việc học trực tuyến, Hội đồng Đội huyện Krông Bông đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình mang ý nghĩa thiết thực.

Hơn nửa tháng qua, tối nào “cô giáo dạy kèm thời vụ” Nguyễn Thị Thủy ở thôn Quảng Đông (xã Hòa Sơn) cũng thu xếp công việc trước 18 giờ để chuẩn bị cho việc hỗ trợ học sinh học trực tuyến.

Thủy cho biết, em đang là sinh viên năm 4 của Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Hiện nay đang là thời gian làm khóa luận nên em về nhà. Khi đọc được thông tin Hội đồng Đội huyện tổ chức “Lớp học khăn hồng” nhằm giúp đỡ  học sinh tiểu học có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện học trực tuyến, Thủy đã xung phong tham gia.

Do có sẵn laptop và điện thoại kết nối mạng, Thủy đã đón 2 học sinh lớp 5 (Trường Tiểu học Sơn Tây) không có điều kiện tham gia học trực tuyến về nhà mình để kèm các em học. Nhờ đó các em đã theo kịp chương trình học của các bạn trong lớp.

"Lớp học khăn hồng" tại thôn Quảng Đông, xã Hòa Sơn do tình nguyện viên Nguyễn Thị Thủy kèm cặp.

Tương tự, cô sinh viên năm 2 của Trường Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng Nguyễn Bích Phương cũng tranh thủ thời gian nghỉ dịch để làm cô giáo tình nguyện cho “Lớp học khăn hồng”. Nhà Phương ở thôn 1, xã Hòa Sơn nên em đã nhận kèm cặp cho một học sinh lớp 4 ở cùng thôn. Đó là em Lê Nhất Anh, học sinh Trường Tiểu học Sơn Tây. Gia đình Nhất Anh có hoàn cảnh khó khăn, mẹ bị bệnh nặng, ba đang thất nghiệp nên em không có điện thoại, máy tính để học trực tuyến. Nhà Nhất Anh lại ở sát chân núi, đường sá lầy lội, đi lại khó khăn. Vậy mà Phương vẫn chăm chỉ hằng ngày đến đón Nhất Anh về nhà mình, mở máy cho em học trực tuyến. Sau mỗi giờ học, chỗ nào cô giáo ở trường dạy mà Nhất Anh chưa hiểu, “cô giáo” Phương tận tình chỉ bày cho em. Phương chia sẻ, em rất vui khi được góp một phần công sức nhỏ của mình giúp các em học sinh trong việc học.

Theo Hội đồng Đội huyện Krông Bông, do địa phương là một huyện vùng sâu, vùng xa, điều kiện còn nhiều khó khăn nên khi học sinh phải học trực tuyến, nhiều trường hợp không đáp ứng được yêu cầu về trang thiết bị. Nhận thấy nhiều học sinh, nhất là cấp tiểu học cần giúp đỡ, Hội đồng Đội huyện đã phối hợp với các thầy, cô giáo và Tổng phụ trách Đội của các trường tìm hiểu, rà soát danh sách những học sinh không có điều kiện học trực tuyến để tìm cách hỗ trợ thích hợp. Một trong những hoạt động ý nghĩa trợ giúp các em đó là việc tổ chức “Lớp học khăn hồng”.

Tình nguyện viên Nguyễn Bích Phương kèm học sinh Lê Nhất Anh học trực tuyến tại nhà.

Anh Bùi Tấn Lợi, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Krông Bông cho biết, dù mới đi vào hoạt động được hơn hai tuần nay, nhưng “Lớp học khăn hồng” cho thấy hiệu quả rõ rệt. Nhiều học sinh không những được tham gia học trực tuyến theo chương trình của trường, lớp mà còn được các tình nguyện viên kèm cặp, hướng dẫn thêm tại nhà. Không chỉ tổ chức các lớp học, trong tháng 9-2021, Hội đồng Đội huyện Krông Bông còn phối hợp với các đơn vị viễn thông tặng thẻ sim 4G miễn phí cho học sinh tiểu học có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị trấn Krông Kmar, các xã Hòa Sơn và Khuê Ngọc Điền để kịp thời hỗ trợ học sinh có điều kiện học trực tuyến. Với mỗi chiếc sim được tặng, các em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn có thể truy cập mạng Internet bằng dữ liệu di động để tham gia chương trình học tập trực tuyến.

Hiện nay, nhiều học sinh ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Krông Bông nói riêng đang gặp khó khăn trong việc học trực tuyến do không đảm bảo về cơ sở vật chất. Vì vậy, việc tổ chức các “Lớp học khăn hồng” hay hỗ trợ sim, sóng cho học sinh là những hành động hết sức ý nghĩa, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Các chương trình trên không chỉ tạo động lực học tập cho các em mà còn góp phần cùng địa phương chống dịch và đồng hành với ngành giáo dục.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.