Multimedia Đọc Báo in

Khi giáo viên lớn tuổi dạy online

08:25, 08/10/2021

Học online được coi là giải pháp giải quyết tình thế cần thiết tại thời điểm dịch bệnh để không làm gián đoạn việc dạy và học.

Đối với những giáo viên lớn tuổi ở huyện Cư M’gar, thao tác trên các thiết bị công nghệ cũng là một thách thức không nhỏ. Song với lòng yêu nghề, tận tụy, các thầy cô giáo đã nỗ lực không ngại khó, ngại thay đổi để triển khai hiệu quả việc dạy học theo hình thức mới.

Không rành về công nghệ, sử dụng phần mềm hỗ trợ chưa thành thạo, chưa quen với các thao tác dạy online… Đó là những trở ngại của giáo viên lớn tuổi khi dạy học qua thiết bị công nghệ. Họ vừa dạy vừa nỗ lực nâng cao năng lực tin học cho mình để giảng dạy hiệu quả.

Cô Mai Thị Tuyết, giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An (xã Cuôr Đăng) trong một tiết dạy online.

Với cô Mai Thị Tuyết, giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An (xã Cuôr Đăng) suốt 27 năm đứng trên bục giảng, có lẽ đây là năm học đặc biệt nhất. Cô không cầm phấn mà cầm… chuột nhấp trỏ trên màn hình máy tính để giảng dạy.

Cô thừa nhận là giáo viên lớn tuổi, các thao tác trên máy tính không được thành thạo, nhanh nhẹn như các đồng nghiệp trẻ nên cô luôn phải cố gắng gấp nhiều lần. Làm quen với việc dạy mà chỉ một mình tổ chức, điều hành lớp học trên thiết bị công nghệ qua ứng dụng MS Teams, cô tự tìm tòi, nghiên cứu, chịu khó học hỏi và ghi chép cẩn thận từ lớp tập huấn do Phòng GD-ĐT huyện tổ chức.

Cô tỉ mẩn dành thời gian ngồi lập kế hoạch cho từng bài dạy, lên kịch bản của mỗi tiết học trên máy. Chỗ nào thao tác trên phần mềm dạy trực tuyến khó khăn thì cô gọi điện để hỏi bộ phận trợ giúp kỹ thuật của Phòng GD-ĐT huyện, hỏi đồng nghiệp, thậm chí nhờ cả con cái trong nhà làm “quân sư”.

Cô Tuyết tâm sự, nỗi lo không bắt kịp công nghệ là rào cản lớn nhất của giáo viên lớn tuổi khi triển khai học trực tuyến. Thế nhưng, khi bản thân tự nỗ lực, học hỏi liên tục thì mọi việc cũng trở nên đơn giản hơn.

Còn gần hai năm nữa là về hưu nên cô giáo Trần Thị Biên (Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh, xã Ea Kpam) cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ thông tin. Cô chia sẻ, ngày trước học trực tiếp, phần lớn cô dạy bằng phương pháp truyền miệng. Các tiết học chuyên đề, hội thi, hội giảng cô đã từng sử dụng thêm trình chiếu, thiết kế bài giảng trên PowerPoint, nhưng dạy online thì vất vả hơn nhiều. Ban đầu cô gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ, nhất là việc lên lịch học, chấm bài cho học sinh trên ứng dụng công nghệ.

Cô Trần Thị Biên, Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh (xã Ea Kpam) luôn tự tìm tòi, học thêm từ đồng nghiệp để nâng cao trình độ công nghệ thông tin.

Với kinh nghiệm giảng dạy và kỹ năng công nghệ có được từ việc tự tìm tòi, học hỏi trên mạng Internet, từ đồng nghiệp, cô Biên thiết kế bài giảng điện tử một cách tóm lược, mạnh dạn áp dụng các công cụ tương tác để nội dung bài học dễ nhớ và tăng tính tương tác với học sinh. Giờ thì mọi việc gần như suôn sẻ hơn, cô đã tự tin hơn vì vượt qua được rào cản về công nghệ, bắt kịp với việc dạy học online.

Theo cô Biên, hoàn cảnh thay đổi cũng là cơ hội để mình trở thành người chủ động trong ứng dụng công nghệ thông tin. Cô chỉ nghĩ đơn giản mình phải là người làm gương, tiên phong trong việc hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu, tự tìm tòi phục vụ cho công tác. Từ đó, hướng dẫn học sinh thực hành, áp dụng trong quá trình học tập của mình.

Theo Phòng GD-ĐT huyện Cư M’gar, hiện giáo viên có độ tuổi từ 51 - 60 chiếm gần 16% tổng số giáo viên trên địa bàn. Nhiều giáo viên gặp khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học trực tuyến, nhất là đối với giáo viên lớn tuổi. Nhưng bằng mọi cách, các thầy cô luôn cố gắng bổ sung kiến thức tin học cho mình, nỗ lực bắt nhịp theo xu thế để đáp ứng tốt yêu cầu của việc giảng dạy.

Hỗ trợ giáo viên trong việc dạy học online, ngay từ đầu năm học mới, Phòng GD-ĐT huyện Cư M’gar đã tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho giáo viên trên địa bàn.

Theo đó, các giáo viên được hướng dẫn tỉ mỉ về phương pháp, kỹ thuật sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến; hỗ trợ dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh và tương tác bằng hình thức trực tuyến; cách thức thiết kế bài giảng điện tử; tổ chức chia sẻ kinh nghiệm trong việc dạy học trực tuyến…

Bên cạnh đó, tại các trường đều thành lập tổ hỗ trợ giảng dạy trực tuyến để cùng với bộ phận kỹ thuật của Phòng GD-ĐT huyện bám sát, kịp thời hướng dẫn, tư vấn, giải đáp thắc mắc hằng ngày cho các giáo viên khi cần.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.