Khuyến cáo hay cảnh giác?
Theo từ điển tiếng Việt, “khuyến cáo” là đưa ra lời khuyên (thường là công khai và cho số đông). Nội dung “khuyên” thông thường là cần/nên làm gì, không cần/nên làm gì.
Có thể nêu vài ví dụ như: “Bộ Y tế khuyến cáo không nên mời người khác về nhà và không nên đến nhà người khác”; hay: “Khuyến cáo 7 việc học sinh cần làm để phòng, chống dịch COVID-19”…
(Ảnh minh họa) |
Mới đây một văn bản của cơ quan nhà nước đã viết “khuyến cáo mạo danh cán bộ, công chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Xét nội dung “khuyên” của từ “khuyến cáo” thì không thấy yếu tố đi kèm là nên/cần hay không nên/cần ở đây (nên/cần “mạo danh…” hay không nên/cần “mạo danh…”?). Và ai cũng biết đặt ra vấn đề này là thừa, vì đã mạo danh là xấu, thậm chí nhiều trường hợp vi phạm pháp luật, đương nhiên không nên làm, không cần phải “khuyên”. Điều đó cũng có nghĩa việc dùng từ “khuyến cáo” ngay trước từ “mạo danh” là không phù hợp, hay nói cách khác là tối nghĩa.
Thực ra hành vi “mạo danh cán bộ, công chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng không phải ai cũng dễ dàng phát hiện để đề phòng. Vấn đề ở đây là cơ quan chức năng có động thái để giúp người dân chú ý mà đề cao cảnh giác. Cho nên trong trường hợp này nên sửa lại: “Cảnh giác với thủ đoạn mạo danh cán bộ, công chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Thế Nhân
Ý kiến bạn đọc