Dạy và học thời lửa đạn
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đội ngũ nhà giáo đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ tích cực giảng dạy và hoạt động cách mạng, góp phần vào công cuộc giải phóng đất nước.
Những lớp học ở rừng
Thầy Hà Ngọc Đào (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Đắk Lắk, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh) là một trong những “nhà giáo đi B” (giáo viên từ miền Bắc được Trung ương điều động chi viện cho chiến trường miền Nam - P.V).
Trong trí nhớ của thầy Hà Ngọc Đào, vẫn còn nguyên vẹn ký ức về những ngày tháng dạy và học khi đất nước chưa yên tiếng súng. Năm 1965, thầy Đào cùng 8 giáo viên từ miền Bắc vào Đắk Lắk tăng cường cho lực lượng giáo dục. Sau hành trình vượt Trường Sơn gian nan, đặt chân đến Đắk Lắk, các giáo viên lần lượt được đưa về Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Đắk Lắk đóng ở H9 (nay là huyện Krông Bông). Lúc này, các thầy cô giáo bắt đầu lập trường dạy chữ với bao khó khăn, gian khổ.
Thầy Hà Ngọc Đào chia sẻ về những hồi ức dạy và học thời chống Mỹ. |
“Lúc ấy, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, những lớp học được dựng nên bằng tranh tre nứa lá. Tất cả bàn ghế đều làm bằng tre, nứa kê lên. Bảng viết dùng những miếng gỗ có thớ mịn, được đẽo thật phẳng ghép lại, sau đó lấy lá lang (khoai lang) giã nhuyễn với than bôi lên bề mặt tạo màu đen để viết. Phấn viết của học viên có khi là những lát sắn khô, hay là những viên đá màu được nhặt trên núi về. Bút, giấy, sách, vở đều phải mất hàng tháng trời vượt rừng gùi về từ cửa khẩu, vùng đồng bằng”, thầy Đào hồi tưởng.
Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, thầy trò vừa dạy học, vừa sản xuất (trỉa bắp, trồng sắn, lúa). Ngặt nỗi, có những mùa khi đến vụ thu hoạch, bị giặc rải mìn ở nương rẫy, ném bom, thả chất độc xuống khiến bao nhiêu công sức của thầy và trò coi như đổ sông đổ bể. Việc dạy và học lại càng gian nan hơn khi trường cứ dựng ít lâu lại bị địch phát hiện, bắn phá nên phải di chuyển. Thời kỳ đầu, thầy trò phải dắt díu nhau băng rừng, lội suối giữa các vùng căn cứ để lập trường, có những trường được dựng sâu trong rừng núi. Trường bị bắn phá, không học được trên mặt đất, thầy trò phải đào hầm để lấy chỗ học, đồng thời đào thêm một hầm chữ A thông với hầm dạy học để ẩn nấp. Có lần trường bị càn quét ác liệt, có học viên đã hy sinh, trường học phải dời vào hang đá. Khó khăn là thế, ấy vậy mà từ chính những trường học ấy đã đào tạo được bao thế hệ trưởng thành, phục vụ cách mạng, kháng chiến.
Phát triển giáo dục thời kháng chiến
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là từ những năm 1960 trở đi, tình hình cách mạng ở miền Nam nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng đã có những chuyển biến tích cực, kéo theo những chuyển biến về giáo dục. Năm 1962 Tiểu ban Giáo dục tỉnh được hình thành. Năm 1965, giáo dục miền Nam phát triển mạnh mẽ, vùng căn cứ cách mạng mở rộng. Trước tình hình ấy, Bộ Giáo dục đã lần lượt cử các đoàn cán bộ giáo viên vượt Trường Sơn chi viện cho Đắk Lắk.
Trong giai đoạn 1965 - 1975, giáo dục ở Đắk Lắk dần được phát triển. Lúc này, ngành học phổ thông được phát triển mạnh ở H1, H4, H5, H8, H9, H10 (nay là các huyện M’Drắk, Krông Pắc, Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Súp và một phần các huyện Ea Kar, Lắk, Krông Búk). Hàng chục lớp cấp một được mở trong các buôn làng giải phóng. Trường Bổ túc văn hóa của tỉnh cũng được thành lập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa cho các đối tượng là cán bộ chủ chốt các ban, ngành, đoàn thể tỉnh và huyện, lực lượng vũ trang.
Các đồng chí chủ chốt của ngành giáo dục Đắk Lắk thời điểm năm 1976. Ảnh chụp lại |
Những lớp dạy xóa mù chữ bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được tổ chức nhằm phổ biến đường lối của Đảng, tuyên truyền giáo dục giác ngộ cách mạng cho cán bộ và nhân dân. Phong trào “Bình dân học vụ” phát triển mạnh ở nhiều buôn làng trong tỉnh. Giữa thời kỳ chiến tranh lửa đạn, khó khăn trăm bề nhưng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã nhìn xa, chỉ đạo ngành giáo dục mở Trường Sư phạm để đào tạo giáo viên cấp 1 cho vùng giải phóng. Bên cạnh đó, Trường Nội trú tỉnh cũng đã được mở ra cho con em mồ côi vì chiến tranh trong hoàn cảnh thiếu lương thực, văn phòng phẩm…
Nhờ hệ thống giáo dục phát triển, nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên có trình độ văn hóa nhất định được đào tạo và đến năm 1975 đủ sức làm nòng cốt tiếp quản ngành giáo dục vùng mới được giải phóng, từng bước xây dựng nền giáo dục cách mạng trong cả tỉnh. Để có được những thành quả ấy, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ giáo viên tâm huyết, gương mẫu, kiên trung thời chống Mỹ, trong đó có không ít giáo viên đã ngã xuống trên mảnh đất này…
Thanh Nga – Huyền Diệu
Ý kiến bạn đọc