Multimedia Đọc Báo in

Linh hoạt thực hiện kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy học giữa kỳ

08:37, 24/11/2021

Theo lộ trình dạy học trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đang thực hiện kế hoạch kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy học giữa kỳ linh hoạt dựa vào thực tiễn dạy và học ở mỗi đơn vị, địa phương.

Năm học 2021 - 2022 Trường THCS Nguyễn Khuyến (huyện Ea Kar) có 15 lớp với 625 học sinh. Trong kế hoạch dạy học đầu năm, trường đã xây dựng nhiều phương án dạy học trực tiếp, trực tuyến và có sự khảo sát, đánh giá cụ thể. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, trường đã linh hoạt điều chỉnh việc dạy học trực tuyến, trực tiếp dựa vào tình hình thực tế tại địa phương và hiện đang tổ chức dạy học trực tiếp tại trường.

Thầy Lại Cao Đằng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, nhằm vừa bảo vệ sức khỏe của học sinh, vừa bảo đảm kế hoạch năm học, việc kiểm tra, đánh giá chất lượng đang được nhà trường xây dựng linh hoạt, sát thực tế nhất có thể. Đối với các nội dung kiểm tra thông thường thì có thể đánh giá thông qua hoạt động trải nghiệm trên hệ thống học trực tuyến, đó là giao bài để các em hoàn thành trên hệ thống dạng bài tập cá nhân, bài tập nhóm, đó có thể là bài viết, video thuyết trình về một nội dung liên quan đến kiến thức được học.

Các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tiếng Anh… có thể có các bài kiểm tra trực tuyến qua làm bài kiểm tra thường xuyên; còn bài kiểm tra định kỳ, giữa kỳ trực tiếp đánh giá năng lực học sinh sẽ tổ chức sau khi học sinh đi học tại trường và được ôn tập lại nhằm bảo đảm tính khách quan.

Một giờ học trực tiếp tại trường của học sinh Trường THCS Nguyễn Khuyến (huyện Ea Kar).

Tương tự, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (huyện Lắk) cũng có sự tính toán kỹ lưỡng trong kế hoạch kiểm tra, đánh giá giữa kỳ cho học sinh. Thầy Trần Hữu Phước, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2021 - 2022 toàn trường có 12 lớp với 502 học sinh và đang tổ chức dạy học trực tiếp tại trường. Theo đúng chương trình học, hiện đang trong tuần học thứ 10 của năm học và trường có kế hoạch kiểm tra giữa kỳ. Nhà trường đã định hướng để giáo viên chủ động thực hiện kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy học theo quy định.

Các giáo viên môn Toán, Văn, Tiếng Anh đang đề xuất kiểm tra buổi chiều theo khối, theo lớp, chung đề để hạn chế tập trung đông người và bảo đảm công bằng cho học sinh. Những môn còn lại thì các giáo viên xây dựng theo hướng ngân hàng đề dựa vào cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia nhằm giúp học sinh có cơ hội làm quen đề thi; cũng như sử dụng để kiểm tra bù cho những học sinh ở "vùng đỏ", không thể kiểm tra tập trung tại trường khi nhà trường tổ chức kiểm tra.

Một buổi dạy ngoại khóa trực tuyến cho học sinh bậc THCS ở huyện Ea Kar.

Việc tổ chức dạy và học ứng phó với tình hình hình dịch bệnh COVID-19 ở mỗi địa phương khác nhau sẽ có những tác động nhất định đến chất lượng dạy học, kiểm tra, đánh giá thường xuyên, giữa kỳ của mỗi học sinh. Trên tinh thần tổ chức kiểm tra, đánh giá theo tiến độ, đúng quy định của ngành giáo dục và bảo đảm an toàn dịch bệnh, ngày 5/11/2021, Sở GD-ĐT ban hành văn bản số 1787/SGDĐT-GDTr-GDTX về việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ và sinh hoạt chuyên môn.

Theo đó, Sở quán triệt việc tổ chức kiểm tra, đánh giá thực hiện theo tiến độ, đúng quy định của ngành, không gây quá tải, áp lực đối với học sinh; nội dung đề phù hợp với hình thức kiểm tra, thời lượng kiểm tra. Những trường hợp tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường chỉ được thực hiện sau một thời gian nhất định khi học sinh được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức.

Trường hợp học sinh không thể kiểm tra trực tiếp tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, thủ trưởng cơ sở giáo dục tự lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá trực tuyến. Khi triển khai theo phương án này cần có sự chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng kỹ thuật; tổ chức kiểm tra thử để học sinh làm quen; chủ động phương án dự phòng về đề kiểm tra, xử lý các tình huống, sự cố về đề kiểm tra, đường truyền, thiết bị của học sinh và nhà trường trong quá trình tổ chức thực hiện…    

Từ đầu năm học 2021 - 2022 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 17,35% học sinh được đến trường học trực tiếp, số còn lại chủ yếu học trực tuyến kết hợp với các hình thức dạy học khác. Trong đó, bậc mầm non 38 trường (chiếm 11,45% tổng số trường cùng bậc toàn tỉnh); Tiểu học có 64 trường (16,41%); THCS 60 trường (25,1%); THPT 15 trường (25,42%); Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên 5 cơ sở (33,33%).

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.