Multimedia Đọc Báo in

Ngành Giáo dục Đắk Lắk: Thích ứng để đổi mới

06:06, 02/02/2022

Năm học 2021 - 2022 đã đi được một nửa chặng đường với những điều đặc biệt chưa từng có tiền lệ.

Trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, Sở GD - ĐT đã chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương căn cứ vào mức độ dịch bệnh triển khai dạy học phù hợp. Theo đó, các trường thuộc “vùng xanh” cho học sinh học trực tiếp; “vùng vàng” dạy trực tiếp kết hợp với gián tiếp; “vùng cam”, “vùng đỏ” học gián tiếp để học sinh “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”. Qua kiểm tra của Sở GD-ĐT, các địa phương thực hiện rất nghiêm túc. Nếu như trước đây, hành trang cho năm học chỉ cần sách vở, giấy bút thì năm nay, do dịch COVID-19 học sinh đã làm quen với máy tính, điện thoại thông minh, giáo viên đến nhà giao bài.

Thầy Nguyễn Sĩ Hiệp, Hiệu trưởng Trường THCS Hồ Tùng Mậu (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) cho biết: Là địa bàn thường xuyên “đổi màu” xanh, vàng, cam, nên nhà trường luôn trong tâm thế chủ động thay đổi kế hoạch dạy học thích ứng với cấp độ dịch. Đặc biệt, năm học này, nhà trường triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở lớp 6. Để bảo đảm chương trình, ngoài cử giáo viên có năng lực, kinh nghiệm giảng dạy lớp 6; ưu tiên cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy, nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm đến tận nhà học sinh trao đổi, hỗ trợ phụ huynh, học sinh về chương trình mới; rà soát những em không có điện thoại, máy tính học trực tuyến để sắp xếp học cùng với các bạn gần nhà, gửi bài tập...

Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa
 
Các thầy cô giáo vẫn đang nỗ lực, tiếp tục vượt khó, tận tâm, trách nhiệm, để thực hiện hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục”.
 
Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa

Qua kiểm tra công tác dạy - học của Sở GD-ĐT và mới đây Đoàn công tác của tỉnh đã tiến hành kiểm tra điều kiện chuẩn bị cho học sinh học trực tiếp tại một số địa phương, đánh giá cao công tác chỉ đạo của Sở GD-ĐT, khi hầu hết các trường đều xây dựng kế hoạch, kịch bản dạy học nếu có ca F0. Ngành GD cũng đã chỉ đạo các trường bố trí phòng cách ly tập trung tạm thời nếu có F0, F1, tránh tình trạng cán bộ, giáo viên, học sinh hoang mang; đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận khi cho học sinh học trực tiếp; tăng cường sự phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường để học sinh an toàn khi đến trường và từ trường về nhà. Để chuẩn bị cho học sinh trở lại trường học, đã có 97,52% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tiêm vắc xin mũi 1, và 70,62% tiêm mũi 2; hơn 59.000 học sinh THPT, GDTX tiêm vắc xin mũi 1 (đạt 93,68%).

Dạy học trực tuyến, học qua truyền hình, hay các hình thức dạy học khác, chắc chắn chất lượng không thể bằng trực tiếp. Song trong bối cảnh dịch bệnh, không có giải pháp nào tốt hơn. Vì vậy, Sở GD-ĐT đã triển khai hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, yêu cầu các nhà trường truyền đạt để học sinh nắm vững lượng kiến thức cốt lõi, cơ bản. Khi có điều kiện dạy học trực tiếp, thầy cô giáo phải rà soát học sinh nắm được kiến thức nào, và cần hướng dẫn, hỗ trợ phần kiến thức chưa nắm chắc, để các em lên lớp, thi chuyển cấp. “Năm học này, ngành giáo dục đặt mục tiêu giữ vững chất lượng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để không có sự chênh lệch khoảng cách”, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định.

Cô và trò lớp 8B, Trường THCS Nguyễn Thị Định (xã Ia R’vê, huyện Ea Súp). Ảnh: Hoàng Ân

Trong bối cảnh kỷ nguyên số, đại dịch đã làm thay đổi cách thích ứng, vận hành, quản trị xã hội. Và ngành GD-ĐT cũng cần có giải pháp thích ứng với thực tế. Chính vì thế, đội ngũ giáo viên cần nỗ lực nhiều hơn để khắc phục khó khăn, phát huy trách nhiệm ứng phó với dịch bệnh và mang kiến thức đến cho học sinh với phương châm “lấy học sinh làm trung tâm” góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nguyên Hoàng 
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.