Multimedia Đọc Báo in

Những ý tưởng sáng tạo giàu tính thực tiễn

08:24, 08/02/2022

Được tổ chức định kỳ hằng năm, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật – Khởi nghiệp cho học sinh trung học của ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đã tạo được sân chơi bổ ích, sáng tạo cho học sinh.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật – Khởi nghiệp gồm hai vòng thi: vòng thi ý tưởng và vòng thi dự án hoàn thiện. Năm học 2021 - 2022, vòng thi ý tưởng thu hút 312 ý tưởng của 426 học sinh tham gia, qua đó đã công nhận 125 ý tưởng. Vòng thi các dự án hoàn thiện được tổ chức từ ngày 14 đến 16/1/2022 với 119 dự án tham gia thuộc 19 lĩnh vực của 223 học sinh, 119 giáo viên hướng dẫn. Cuộc thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Trực tuyến ở vòng thi ý tưởng và vòng thi dự án; trực tiếp đối với các dự án có triển vọng được tổ chức vào sáng 16/1 tại Trường Tiểu học - THCS - THPT Victory (TP. Buôn Ma Thuột).

Em Vũ Hoàng và Trần Lê Tuấn Vũ, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Lương Thế Vinh tìm kiếm vật liệu thực hiện đề tài “Hệ thống thiết bị hỗ trợ dạy và học trực tuyến”.

TS. Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi cho biết, đây là năm học đặc biệt, chưa có tiền lệ khi cả nước nói chung và Đắk Lắk nói riêng đều tổ chức dạy và học trực tuyến kết hợp trực tiếp; có nhiều học sinh từ đầu năm học đến nay chưa được đi học trực tiếp tại trường. Tuy nhiên, các hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật và sáng tạo tại các trường học trên địa bàn tỉnh vẫn được đẩy mạnh một cách linh hoạt dựa vào tình hình dịch bệnh thực tế ở mỗi địa phương. Cuộc thi năm nay mang tính chuyên nghiệp cao hơn, hầu hết các sản phẩm, dự án đều có chất lượng, hàm lượng khoa học cao và các em thực hiện nhiều ý tưởng sáng tạo, mang tính đặc trưng của vùng miền. Đơn cử như những sản phẩm từ cây bơ, hạt tiêu, hạt chanh dây, vỏ trấu, hay gắn với vấn đề thời sự là học trực tuyến với những sản phẩm rất thông minh để có thể giúp đỡ những học sinh nghèo học trực tuyến.

 

“So với những năm trước thì Cuộc thi Khoa học kỹ thuật – Khởi nghiệp cho học sinh trung học năm nay có chất lượng cao hơn. Đặc biệt là một số tác giả có thể trình bày báo cáo dự án, trả lời câu hỏi của giám khảo bằng tiếng Anh. Điều đó cho thấy học sinh ngoài đam mê khoa học còn nắm chắc kiến thức, vận dụng tốt, linh hoạt kiến thức bổ trợ trong thực hiện dự án, gắn học đi đôi với hành”

TS. Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT

Dự án “Hệ thống thiết bị hỗ trợ dạy và học trực tuyến” của Trường THCS Lương Thế Vinh (huyện Krông Ana) được Ban tổ chức cuộc thi đánh giá cao và đã đoạt giải Nhất. Điều đặc biệt là hệ thống có thể sử dụng bằng sóng 3G, 4G; có thể kết nối, sử dụng ti vi cũ, máy tính cũ. Tham gia làm hệ thống, em Vũ Hoàng chia sẻ, ý tưởng thực hiện đề tài xuất phát từ thực tiễn là học trực tuyến nhưng nhiều bạn không có thiết bị để học tập. Giữa mùa dịch, vừa học trực tuyến vừa thực hiện đề tài là hoạt động trải nghiệm thú vị của em và bạn cùng lớp Trần Lê Tuấn Vũ trong năm học 2021 - 2022. Thầy Nguyễn Đăng Phương đã hướng dẫn các em cách kiểm tra màn hình máy tính, ti vi cũ hay các bo mạch điện tử cũ còn sử dụng được tại các cửa hàng sửa chữa thiết bị điện tử cũ. Thông qua việc thực hiện đề tài, kiến thức đấu điện một chiều từ lý thuyết đã được thực tế hóa một cách sinh động và thiết thực với đời sống. Sau khi hệ thống được thử nghiệm thành công, nhà trường đã tặng 12 bộ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn thiếu thiết bị học trực tuyến trên địa bàn huyện để kịp thời hỗ trợ các em học tập giữa mùa dịch.

Cùng đoạt giải Nhất là Đề tài “Nghiên cứu và chế tạo vật liệu gỗ nhựa Poly propylene (PP), Poly Ethylene (PE) và Poly Vinylchloride (PVC) tái chế với vỏ trấu” của em Phan Công Trực và Võ Thị Thanh Thảo (Trường THCS Nguyễn Viết Xuân, huyện Krông Bông). Em Trực cho hay, sử dụng vỏ trấu làm chất độn gia cường để chế tạo vật composite sẽ tận dụng được nguồn phế phẩm dồi dào của nông nghiệp, vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường và góp phần cải thiện thu nhập cho người nông dân; nguồn phế liệu các loại nhựa nhiệt dẻo thải ra từ đồ dùng trong sinh hoạt cũng đa dạng dễ tìm kiếm. Nhóm em đã phải thực hiện nhiều lần mới tạo ra được sản phẩm phù hợp. Vật liệu gỗ bằng nhựa tái chế với vỏ trấu có thể dùng làm vật liệu để sản xuất bàn, ghế, kệ sách, tấm lót sàn cho chuồng trại, làm chậu hoa…

Các đại biểu tìm hiểu về vật liệu gỗ nhựa Poly propylene, Poly Ethylene và Poly Vinylchloride tái chế với vỏ trấu của Trường THCS Nguyễn Viết Xuân (huyện Krông Bông) tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật – Khởi nghiệp năm học 2021 - 2022.

Cô Lê Thị Liễu (giáo viên môn Hóa học) hướng dẫn đề tài nói trên cho biết, để tạo ra sản phẩm, cô và trò đã tiến hành thí nghiệm nhiều lần với nhiều chất phụ gia khác nhau, nhiều công thức khác nhau để tìm ra công thức tối ưu. Trong quá trình thực hiện, rất nhiều lần các em có ý định bỏ cuộc vì công thức phối trộn phức tạp, mỗi tỷ lệ ra một thành phẩm khác nhau... Cô đã kiên trì động viên, khích lệ, hướng dẫn các em khám phá tri thức từ lý thuyết tới thực tế, do đó nhóm đã thực hiện thành công đề tài và đạt được giải Nhất cuộc thi.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.