Multimedia Đọc Báo in

Kết nối những hành trình tri thức…

09:22, 06/02/2022

Trong cơn bão dịch bệnh, con đường học tập không vì thế mà bị cản trở, ngắt quãng. Hành trình đến với chân trời tri thức cho lớp lớp thế hệ học sinh vẫn đang được bền bỉ tiếp sức bằng những cách làm linh hoạt, sáng tạo, bằng sự nhiệt tâm, say mê và khát khao cống hiến…

Ở ngôi trường “mới”

4 tháng “học gửi” tại Trường THCS Nguyễn Thị Định (ở xã Ia R’vê, huyện Ea Súp) nhanh chóng qua mau ngay cả bản thân em Phan Tuyết Nhi đã quên đi mình đang học tạm ở ngôi trường này.

Giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Định (xã Ia R’vê, huyện Ea Súp) hướng dẫn em Nguyễn Thị Ngọc Tuyền làm bài tập sau tiết học

Nhi là học sinh Trường THCS Lộc Hưng (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh). Công ty mà cha mẹ em đang làm công nhân tại tỉnh Tây Ninh có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 nên gửi em lên nhà cậu (ở thôn 2, xã Ia R’vê) để tránh dịch. Năm học mới bắt đầu, nhưng dịch bệnh lại chưa được kiểm soát, hoạt động vận tải hành khách ngoài tỉnh tạm dừng, nên cậu em làm đơn xin cho Nhi vào học lớp 8, Trường THCS Nguyễn Thị Định. Nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, sau một tuần học tập với nhiều bỡ ngỡ, em Nhi đã tự tin, hòa nhịp với tập thể lớp.

Tương tự, em Nguyễn Thị Ngọc Tuyền (ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) cũng được bà ngoại (ở thôn 8, xã Ia R’vê) làm đơn xin vào học lớp 7B Trường THCS Nguyễn Thị Định. Trường mới, bạn mới, thầy cô giáo cũng mới nên Tuyền khá lo lắng. Cảm giác ấy trôi qua mau với sự chia sẻ, giúp đỡ tận tình của các thầy cô. “Cô giáo chủ nhiệm hay gọi điện thoại hỏi thăm em chuyện học tập học, về tình hình sức khỏe của bố mẹ, giúp em bớt nhớ nhà, nhớ ba mẹ…”, em Tuyền trò chuyện.

Thầy Phạm Duy Tĩnh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Định cho biết, đầu năm học Ban Giám hiệu nhà trường phối hợp với UBND xã tiếp nhận 9 học sinh từ các tỉnh thành phía Nam về địa phương tránh dịch vào “học gửi”; ngược lại có 6 học sinh của trường cũng đang “học gửi” ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Bến Tre… Đối với các em “học gửi” tại trường, nhà trường tiến hành xác nhận thông tin, có sự trao đổi, thống nhất với các trường nơi các em học tập trước đó để phân đúng lớp, đúng nguyện vọng, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, đảm bảo an toàn phòng dịch. Đồng thời, chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn các lớp có học sinh “học gửi” dành sự quan tâm đặc biệt, hỗ trợ tích cực để các em sớm làm quen với môi trường, cách dạy của trường mới.

Lớp học tiếng Anh tình nguyện

Dạy học trực tuyến các môn văn hóa... trong mùa dịch cả thầy và trò đã rất vất vả, thì việc dạy - học tiếng Anh lại càng khó khăn bởi sự tương tác bị hạn chế, nhất là với những học sinh chưa đọc thông, nói thạo tiếng Anh. 

Câu lạc bộ Tiếng Anh tỉnh Đắk Lắk đạt Giải thưởng tại Hội thi Olympic tiếng Anh học sinh - sinh viên tỉnh Đắk Lắk lần thứ I, năm 2021

Vậy mà giữa bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đều đặn mỗi tuần hai buổi tối, sau khi học online theo chương trình đào tạo xong thì Huỳnh Quốc Hưng (sinh viên năm 4, khoa Y Dược, Trường Đại học Tây Nguyên) tất bật chuẩn bị “giáo án” để lên sóng lớp tiếng Anh theo Chương trình dạy tiếng Anh tình nguyện 2021 do Câu lạc bộ (CLB) Tiếng Anh tỉnh Đắk Lắk (trực thuộc Tỉnh Đoàn) tổ chức.

Đúng 20 giờ, lớp học của “thầy giáo” Hưng bắt đầu. Ở buổi học đầu tiên, Hưng thân mật trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh của mình, rồi đặt một vài câu hỏi tiếng Anh dễ để làm quen, đồng thời kiểm tra năng lực ngoại ngữ của từng em. “Trong lớp có một số em chưa thuộc từ vựng, nắm không vững ngữ pháp nên kỹ năng nghe, nói có phần hạn chế. Do đó, người dạy cần tìm hiểu rõ trình độ của từng học sinh, rồi đặt các câu hỏi phù hợp với cấp độ từ dễ đến khó, nâng cao dần nhằm tạo hứng thú để các em chủ động vào lớp học, sôi nổi tương tác với giảng viên”, Hưng cho hay.

Khác với lớp học của Hưng, buổi dạy học tiếng Anh đầu tiên với các học sinh ở TP. Buôn Ma Thuột của “cô giáo” Nguyễn Lục Minh Anh (sinh viên năm 3, ngành Sư phạm tiếng Anh, Trường Đại học Tây Nguyên) sôi nổi với các câu chào, hỏi: Hello, good evening, what is this called in English?... dù phát âm chưa tròn trịa. Đa phần học sinh tham gia lớp học của Minh Anh có trình độ tiếng Anh đồng đều, khá tự tin nên mỗi buổi học khá giòn giã tiếng học bài, cười nói khi Minh Anh lồng ghép các trò chơi theo chủ đề liên quan. Vì vậy, lớp học được học sinh yêu thích, hào hứng, được Ban Chủ nhiệm CLB đánh giá cao.

Anh Võ Tiến Tuấn Niê, Chủ nhiệm CLB Tiếng Anh tỉnh cho biết, để hỗ trợ học sinh nghèo ôn tập, nâng cao trình độ tiếng Anh trong thời điểm dịch bệnh, CLB đã tổ chức Chương trình dạy tiếng Anh tình nguyện 2021, với sự tham gia của 30 tình nguyện viên. Mỗi huyện, thị xã, thành phố tổ chức 1 lớp học với 10 học sinh khối THCS có hoàn cảnh khó khăn tham gia học trực tuyến qua phần mềm Zoom do hai tình nguyện viên phụ. Sắp tới, CLB dự kiến tổ chức nhiều hoạt động tương tự, huy động lực lượng thanh niên Đắk Lắk giỏi tiếng Anh đang học tập ở khắp mọi miền đất nước tham gia dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh, đặc biệt là học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa.

Hoàng Ân – Thùy Dung

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.