Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui đến trường ngày đầu năm mới

08:23, 08/02/2022

Ngày 7/2, học sinh từ lớp 7 trở lên trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột bắt đầu quay lại trường học sau kỳ nghỉ Tết và phòng, chống dịch COVID-19; riêng đối với học sinh tiểu học và học sinh lớp 6 vẫn học trực tuyến.

Trong khi tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, việc duy trì việc dạy học đồng thời với nhiệm vụ đảm bảo an toàn trường học, an toàn sức khỏe cho học sinh được các trường đặt lên hàng đầu.

Ghi nhận tại Trường THCS Phan Bội Châu (TP. Buôn Ma Thuột) sáng 7/2, học sinh đến trường từ khá sớm. Nhà trường bố trí lực lượng đo thân nhiệt, yêu cầu học sinh sát khuẩn tay trước khi vào lớp. Bà Lê Thị Mai Anh, Hiệu trưởng cho biết: kế hoạch đón học sinh từ lớp 7 đến lớp 9 học trực tiếp đã được thực hiện từ trước Tết và đã thông báo cho học sinh, phụ huynh biết từ sớm. Trước khi đón học sinh, nhà trường tổng vệ sinh, khử khuẩn tất cả bàn ghế, phòng học sạch sẽ. Khi học sinh đến trường, nhà trường bố trí thời gian nghỉ giải lao tại chỗ, không cho học sinh tập trung đông; xây dựng phương án ứng phó khi phát hiện học sinh là F0 để các thầy cô chủ động xử lý…

Tất cả 41 cán bộ, nhân viên của Trường THCS Phan Bội Châu và học sinh các khối 7, 8, 9  đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19. Riêng học sinh khối 6 chưa được tiêm vắc xin, do đó nhà trường triển khai đến giáo viên chủ nhiệm lấy ý kiến của phụ huynh về việc cho các em đi học trực tiếp. Trong sáng ngày đầu tiên đi học, có 92% học sinh từ lớp 7 đến lớp 9 đến lớp học trên tổng số học sinh toàn trường là 795 em.

Em Trương Thị Tuyết Nhi, học sinh Trường THCS Phan Bội Châu phấn khởi nói: “Hôm nay trở lại trường, được gặp các bạn bè, thầy cô, em rất vui. Mặc dù nhà trường đã chuẩn bị kỹ các điều kiện phòng dịch bệnh nhưng em cũng mang thêm khẩu trang, xịt khuẩn, tuân thủ quy định phòng dịch giúp em cảm thấy yên tâm hơn khi đến trường…”.

Bên cạnh việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn sức khỏe học sinh, giáo viên, các trường cũng đặt nhiệm vụ chuyên môn vào điều kiện thích ứng mới.

Trường THCS Phan Bội Châu (TP. Buôn Ma Thuột) đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi học sinh đến trường.

Trong ngày đầu tiên đi học trở lại, Trường THCS Lạc Long Quân có 680 học sinh khối 7, 8, 9 đến trường (vắng 72 học sinh). Ông Phan Thanh Thủy, Hiệu trường nhà trường cho hay: Việc học sinh quay trở trường học trực tiếp rất thuận lợi cho công tác giảng dạy. Do đó, tất cả giáo viên cũng như học sinh cần tranh thủ từng giờ, từng phút để bổ sung kiến thức. Hiện nhà trường đã có kế hoạch phân loại đối tượng học sinh, lập danh sách những em bị hổng kiến thức trong thời gian học gián tiếp để phụ đạo, giúp các em theo kịp chương trình học.

Căn cứ vào tình hình phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương, Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột quyết định cho học sinh từ khối 7 đến khối 9 đi học trực tiếp ngay sau Tết Nguyên đán. Quyết định trên được đưa ra khi các trường chủ động vệ sinh lớp học, tăng cường công tác phòng, chống dịch để đón học sinh đến trường. Các khối lớp còn lại, Phòng GD-ĐT thành phố đang khảo sát thêm ý kiến phụ huynh học sinh.

Bà Mai Thị Hồng Hà, Trưởng Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột nhấn mạnh, chúng tôi đã chỉ đạo hiệu trưởng các trường có kế hoạch cụ thể phân loại đối tượng học sinh để có biện pháp củng cố, bổ sung kiến thức; song song đó là tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19. Phòng GD-ĐT thành phố cũng tổ chức họp giao ban trực tuyến với hiệu trưởng các bậc học từ mầm non đến THCS để triển khai khảo sát lấy ý kiến đối với các học sinh chưa được đi học trực tiếp để có phương án tham mưu phù hợp; đồng thời chỉ đạo các đồng chí chuyên viên tăng cường đi kiểm tra, hướng dẫn xử lý các tình huống phát sinh nếu ó…

Lan Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.