Multimedia Đọc Báo in

Sẵn sàng ứng phó với tình huống xuất hiện F0 trong trường học

08:39, 14/02/2022

Toàn tỉnh đã chuyển cấp độ dịch thành "vùng xanh", đây cũng chính là “thời điểm vàng” để đưa học sinh tất cả các bậc học trở lại trường.

Nhiều giải pháp đã được gấp rút thực hiện nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh. Các địa phương và từng trường học cũng đã sẵn sàng ứng phó với kịch bản có F0 xuất hiện trong môi trường học đường.

Ngay trong tuần đầu tiên đón học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng đã phát hiện 5 trường hợp học sinh dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Ngay lập tức, nhà trường đã thông báo cho cha mẹ học sinh, cách ly tạm thời F0, thông báo trạm y tế phường và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Việc dạy và học được tạm ngưng để tiến hành vệ sinh khử khuẩn và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có tiếp xúc gần với các F0.

Trường THPT thực hành Cao Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột) khử khuẩn để đón học sinh trở lại học tập.

Trong số các học sinh nhiễm COVID-19, 2 em được phụ huynh đưa về điều trị cách ly tại nhà, 3 em hiện tiếp tục được theo dõi sức khỏe tại phòng cách ly của trường theo quy định. Nhà trường chuyển sang phương án dạy trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Các F1 là giáo viên, học sinh tại 2 lớp có F0 thực hiện cách ly tại nhà, dạy và học trực tuyến. Các giáo viên, học sinh không thuộc diện F1 tiếp tục dạy và học trực tiếp theo đúng thời khóa biểu để đảm bảo tiến độ chương trình.

 

Tính đến ngày 9/2, toàn tỉnh ghi nhận 1.299 học sinh, học viên mắc COVID-19. Về tiêm vắc xin phòng COVID-19, có 138.487 học sinh 12 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 và 113.467 em đã tiêm nhắc mũi 2.

Nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh học trực tiếp từ ngày 14/2, Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt đã tổ chức phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên, lớp học và các phòng chức năng, chuẩn bị đầy đủ các bộ dụng cụ test nhanh, các vật dụng y tế cần thiết và xà phòng, nước sát khuẩn. Nhà trường cũng bố trí 1 phòng cách ly riêng, 1 phòng cách ly tập trung, xây dựng kế hoạch và phương án khi có F0. Trong suốt quá trình học tập trên lớp, học sinh và giáo viên đều đeo khẩu trang 100%, nghỉ giải lao tại lớp. Việc bố trí giờ ăn, đưa đón học sinh được chia lệch ca, đảm bảo giãn cách khi học sinh bán trú nghỉ trưa tại trường. Ngoài ra, ngày đầu trở lại trường, nhà trường cũng đề nghị tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh phải có kết quả test nhanh âm tính với COVID-19.

Tại các địa phương có tỷ lệ học sinh học trực tiếp cao từ trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, việc xuất hiện F0 tại các trường học cũng đã nằm trong kịch bản ứng phó. Đơn cử tại huyện Krông Bông, từ khi triển khai dạy học trực tiếp đến nay đã ghi nhận 31 học sinh là F0 nhưng có đến 29 ca bị lây nhiễm từ cộng đồng, chỉ 2 ca có nguồn lây từ trường học. Sau Tết Nguyên đán, hầu hết các cơ sở giáo dục thực hiện dạy học trực tiếp, chỉ còn một số điểm trường có phát sinh ca nhiễm trong cộng đồng tạm chuyển sang hình thức trực tuyến. Hiện, 54/54 cơ sở giáo dục trên địa bàn đã xây dựng và ban hành phương án, kế hoạch phòng, chống dịch tại đơn vị, sẵn sàng điều chỉnh các giải pháp dạy học khi thay đổi cấp độ dịch.

Giáo viên và phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) vệ sinh lớp học để đón học sinh trở lại trường.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Y Thức Êban, UBND huyện đã chỉ đạo các trường học thực hiện tốt nguyên tắc 5K, nghỉ giải lao tại lớp, bố trí thời gian vào lớp, ra về hợp lý, hạn chế tập trung đông người, khuyến khích phụ huynh đưa đón con theo phương châm “một cung đường, hai điểm đến”, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh từ trường học.

Đinh Nga

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.