Multimedia Đọc Báo in

Chuyển biến trong tuyển sinh ngành sư phạm: Những tác động về mặt chính sách

10:10, 07/04/2022

Số liệu tuyển sinh năm 2021 ở các trường đại học cho thấy, số lượng nguyện vọng đăng ký các ngành sư phạm tăng so với những năm trước đây và tỷ lệ nhập học cao.

Đây là một trong những minh chứng thể hiện sự quan tâm ngày càng nhiều của người học nói riêng và xã hội nói chung đối với khối ngành sư phạm. Năm tuyển sinh 2022 tiếp tục được dự báo có thể có sự gia tăng xu hướng lựa chọn dự tuyển khối ngành sư phạm. Điều này là kết quả từ những tác động về mặt chính sách đối với công tác đào tạo giáo viên và từ chính những thay đổi nội tại của các cơ sở đào tạo.

Về chính sách, Nghị định 116/2020-NĐ-CP (Nghị định 116) về hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm chính thức được áp dụng từ năm học 2021 - 2022. Theo đó, sinh viên theo học các ngành sư phạm không những được hỗ trợ tiền học phí, mà còn được hỗ trợ hơn 3,6 triệu đồng tiền sinh hoạt phí hằng tháng. Nghị định 116 đã tạo nên sức hút cho các thí sinh vào ngành sư phạm trong năm tuyển sinh vừa qua, rõ nhất là những em thuộc các gia đình có thu nhập trung bình hoặc thu nhập thấp, gia đình gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19… Nhìn chung, với điều kiện sống ở nhiều địa phương thì ở mức hỗ trợ sinh hoạt phí này, sinh viên hoàn toàn có thể yên tâm cho việc học tập.

Bên cạnh đó, Nghị định 116 cũng quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh về việc căn cứ thực trạng đội ngũ giáo viên hằng năm để xác định nhu cầu đào tạo, bố trí ngân sách thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo giáo viên, xây dựng tiêu chí tuyển chọn sinh viên sư phạm phù hợp nhu cầu sử dụng. Mặc dù mới triển khai và còn nhiều điều cần được đưa ra thảo luận kỹ lưỡng hơn nhưng việc thực hiện nội dung này của Nghị định 116 đã cho thấy bước đầu công tác đào tạo giáo viên có được sự kết nối giữa nhu cầu thực tế của địa phương và năng lực đáp ứng của các cơ sở đào tạo, góp phần bảo đảm tỷ lệ có việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Rõ ràng là, công tác dự báo nguồn nhân lực gắn với tuyển sinh sẽ tạo cơ hội lớn cho người học có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Học sinh lớp 12 của tỉnh Đắk Lắk tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh đại học. Ảnh: Nguyên Hoa
Học sinh lớp 12 của tỉnh Đắk Lắk tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh đại học. Ảnh: Nguyên Hoa

Trong vài năm trở lại đây, hầu hết các trường có đào tạo giáo viên đều chủ trương đa dạng các phương thức tuyển sinh, mở rộng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh có nguyện vọng theo học. Bên cạnh các phương thức truyền thống như xét tuyển thẳng, dựa vào kết quả học bạ THPT, dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT thì nhiều trường còn sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia; ưu tiên xét tuyển hoặc cộng điểm đối với các thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ.

Đặc biệt, công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh được các trường sư phạm đầu tư và vận hành hiệu quả. Việc này đã giúp thí sinh, phụ huynh hiểu rõ hơn tính chất, vai trò và tầm quan trọng của nghề sư phạm trong bối cảnh hiện tại. Thực tế cho thấy, nhiều thí sinh có học lực giỏi đã quan tâm tới khối ngành sư phạm. Nhận thức được điều này, để khuyến khích người học có tài năng lựa chọn ngành sư phạm và nâng chất lượng đào tạo, các cơ sở đào tạo đã nỗ lực rà soát, cập nhật chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội.

Hy vọng rằng, những ưu đãi về học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm được gắn liền với việc sắp xếp, bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp, cùng với đó là mức lương hợp lý, điều kiện làm việc tốt để giáo viên toàn tâm toàn ý với nghề sẽ là “cú hích” tạo nên chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo ngành sư phạm. Song, để có được đội ngũ những người làm giáo dục yêu nghề, giỏi nghề thì việc hỗ trợ sinh viên ngành sư phạm có lẽ là chưa đủ, mà phải có những giải pháp vĩ mô, mang tính đồng bộ từ chương trình đào tạo, chất lượng đầu ra và chính sách đặc thù dành riêng cho ngành sư phạm.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.