Multimedia Đọc Báo in

Đưa sách đến gần hơn với học sinh

08:15, 20/04/2022

Mong muốn lan tỏa tình yêu sách, xây dựng văn hóa đọc và đưa sách đến gần hơn với học sinh, thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã có những cách làm hay, mô hình sáng tạo, từ đó mang lại những tín hiệu tích cực.

Tiết đọc sách bổ ích

Nhiều năm nay, “Tiết đọc thư viện” đã trở thành món ăn tinh thần bổ ích của học sinh Trường THCS Trần Phú (thị xã Buôn Hồ). Đến với tiết đọc này, học sinh không chỉ được đọc sách, mà còn được phát huy năng khiếu, khả năng của mình thông qua những nét vẽ hay bài thuyết trình trước đám đông. Cô Lê Nhã Uyên, cán bộ thư viện cho biết, năm học 2019 - 2020, Trường THCS Trần Phú bắt đầu thực hiện tiết đọc thư viện. Hằng tuần, thư viện sẽ xây dựng kế hoạch, chuẩn bị cơ sở vật chất, vốn tài nguyên thông tin và lên thời khóa biểu tiết đọc thư viện để thông báo với giáo viên chủ nhiệm (1 tiết/tuần/lớp).

Khi tham gia tiết đọc thư viện, học sinh đọc sách theo từng chủ đề mà thư viện đã xây dựng, sau đó chia sẻ về cuốn sách vừa đọc cho các bạn cùng lớp nghe hoặc vẽ nhân vật yêu thích trong cuốn sách vừa đọc. Ngoài ra để thay đổi không khí, trong tiết đọc thư viện còn lồng ghép cho học sinh xem các chương trình về giáo dục đạo đức - kỹ năng sống giúp các em có thêm kiến thức. Nhờ vậy, đã tạo không khí vui vẻ, sôi nổi, giúp học sinh tham gia một cách hào hứng.

Học sinh Trường THCS Trần Phú (thị xã Buôn Hồ) tham gia tiết đọc thư viện.

Trong khi đó, tại Trường THCS Ngô Mây (xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar) đọc sách đã trở thành một tiết học trong thời khóa biểu. Cứ vào thứ năm hằng tuần, tất cả giáo viên, học sinh của trường lại cùng tham gia đọc sách trong thời gian một tiết học. Ai ai cũng chăm chú, say mê với cuốn sách mình chọn.

Thầy Đinh Tiến Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, thư viện trường hiện có trên 3.000 đầu sách đa dạng về thể loại. Thông qua tiết đọc sách đã đưa sách đến gần hơn với học sinh, qua đó khơi dậy niềm yêu thích đọc sách ở các em. Nhà trường cũng xây dựng 12 tủ sách tại các lớp học để tiện lợi cho học sinh khi tham gia tiết đọc sách.

Em Đặng Viết Mạnh (học sinh lớp 7A, Trường THCS Ngô Mây) chia sẻ, tham gia tiết đọc sách, em được làm quen với nhiều sách hay, ý nghĩa, qua đó học hỏi thêm được nhiều điều bổ ích. Hơn nữa, vì cả trường cũng tham gia đọc sách nên có không gian yên tĩnh, thoải mái để tập trung tìm hiểu nội dung cuốn sách.

Xây dựng thư viện thân thiện, hiệu quả

Đến Trường THCS Y Ngông Niê Kdăm (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar), điều khiến mọi người chú ý là Nhà Truyền thống – Thư viện của trường khá đặc biệt, được làm theo kiến trúc nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê. Trong đó trưng bày những hình ảnh hoạt động qua các thời kỳ của trường, những sản phẩm, hiện vật của đồng bào dân tộc Êđê cùng các kệ sách được đặt ngay ngắn…

Theo cô Nguyễn Thị Hường, cán bộ thư viện Trường THCS Y Ngông Niê Kdăm, với đặc thù trên 95% học sinh là con em đồng bào dân tộc Êđê, đây là một không gian lý tưởng để đọc sách cũng như bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc. Đặc biệt, từ khi Nhà Truyền thống – Thư viện được xây dựng, số lượng học sinh mượn sách đã tăng lên đáng kể. Em H’Mion Byă (học sinh lớp 9) trò chuyện: Nhà Truyền thống – Thư viện của trường có không gian rất thoáng, lại gần gũi với cuộc sống hằng ngày khiến em rất thích thú. Đến đây, học sinh không chỉ đọc sách mà còn có cơ hội quan sát, tìm hiểu những vật dụng truyền thống của dân tộc mình.

Học sinh Trường THCS Y Ngông Niê Kdăm (huyện Cư M’gar) lựa chọn sách đọc tại Nhà Truyền thống – Thư viện của trường.

Tại Trường THCS Trần Phú (thị xã Buôn Hồ) thư viện trường rất sạch sẽ, ngăn nắp và thân thiện. Các đầu sách được đặt ngay ngắn trên kệ và sắp xếp theo từng thể loại riêng. Bên cạnh đó, trường còn xây dựng "Thư viện hành lang" bên ngoài thư viện nhằm tạo không gian đọc sách mới cho học sinh.

Nhờ thực hiện tốt công tác xã hội hóa mà nguồn sách ngày càng phong phú về số lượng cũng như nội dung, hiện thư viện có hơn 5.000 đầu sách đa dạng về thể loại. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh dừng đến trường và học trực tuyến tại nhà nhưng thư viện vẫn mở cửa đều đặn để phục vụ bạn đọc bằng nhiều hình thức khác nhau, đồng thời lên lịch hẹn mượn sách và thực hiện đúng quy định 5K.

Trung bình mỗi ngày có khoảng 35 lượt bạn đọc đến thư viện. Bên cạnh tuyên truyền qua website, bảng tin của nhà trường, thư viện cũng có trang Fanpage trên mạng xã hội Facebook nhằm đăng tải thông tin về hoạt động của thư viện, trong đó chủ yếu là tuyên truyền giới thiệu sách mới đến các độc giả.

Trường cũng xây dựng tổ cộng tác viên thư viện gồm 13 thành viên là cán bộ, nhân viên, học sinh nhà trường có nhiệm vụ phát hiện, sưu tầm sách báo tư liệu, thực hiện luân chuyển tài liệu đến các lớp định kỳ mỗi tuần một lần và cùng với thư viện tổ chức giới thiệu sách, hướng dẫn phục vụ các nhu cầu dạy học theo mục tiêu đào tạo để xây dựng vững mạnh thư viện. Nhờ có sự đổi mới, sáng tạo trong công tác tổ chức và hoạt động, thư viện Trường THCS Trần phú đã liên tiếp đạt danh hiệu thư viện tiên tiến từ năm học 2013 - 2014 đến nay.

Có thể thấy, bằng những cách làm thiết thực, phù hợp, văn hóa đọc tại các trường học trên địa bàn tỉnh ngày càng được lan tỏa và phát triển, giúp học sinh khám phá thế giới tri thức qua những trang sách, làm cho đời sống tinh thần của các em phong phú, lành mạnh hơn.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.