Multimedia Đọc Báo in

Đây có phải là học sinh lớp 6?

09:21, 05/06/2022

Tháng trước, một người bạn là giáo viên dạy Văn lớp 6 ở huyện nọ gửi qua Zalo cho tôi một số bài kiểm tra học kỳ II của học sinh các lớp anh dạy.

Anh nói với tôi qua điện thoại: “Em đang bị sốc quá anh ạ. Em đang chấm bài mà không biết phê kiểu gì cho phù hợp, cũng không muốn chấm vì không biết chấm mấy điểm…”. Anh bạn nói thêm: “Anh phải xem cho hết, để biết giáo viên trường xã bọn em khổ cực như thế nào!”.

Quả thực, khi xem những bài kiểm tra do anh chụp bằng điện thoại thông minh, tôi không thể nghĩ đó là bài thi học kỳ, lại là bài của học sinh lớp 6! Cảm nhận đầu tiên đó là chữ xấu, trình bày tùy tiện, cứ nghĩ đó là bản giấy nháp chứ không phải bài kiểm tra. Kế tiếp là chính tả quá kém: sai vần, sai âm vị, sai dấu thanh, viết hoa tuỳ tiện… Ví dụ như: “Đoản văn triên”, “Đoàn văn trên” (Đoạn văn trên); “Tác giả là võ thu hương” (Tác giả là Võ Thu Hương); “Phương thức biệu đạt trọng đoạn văn” (Phương thức biểu đạt trong đoạn văn); “Câu trúc câu nhiệu thanh phận vị ngữ” (Cấu trúc câu nhiều thành phần vị ngữ); “Đoạn vân cế về câu chêim” (Đoạn văn kể về câu chuyện); “thông điệt” (thông điệp); “Tác giả muông ngữy thông điệp” (Tác giả muốn gửi thông điệp)…

Tôi hỏi anh bạn: “Lớp 6 rồi mà sao viết sai chính tả những từ thông thường như vậy”. Anh trả lời: “Có hiểu được gì đâu mà viết cho đúng? Thậm chí đọc đi đọc lại mấy lần vẫn viết sai. Phải viết lên bảng cho nhìn viết theo may ra mới viết đúng được”. “Vậy sao hồi học hết tiểu học vẫn cho tốt nghiệp, chuyển cấp?”. Anh bạn bảo: “Nếu cho lưu ban thì nhiều lắm, mà thông lệ thì chưa có. Và vì phổ cập nên không phải thi chuyển cấp mà tổ chức nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh giữa trường tiểu học với trường THCS theo quy định của Bộ. Nhưng việc nghiệm thu thông thường đều êm đẹp, mang tính thủ tục, không có em nào bị rớt. Theo đó phía trường giao ra đề, tổ chức cho học sinh làm bài và chấm; bên nghiệm thu giám sát 2 khâu sau. Mấu chốt là chỗ đề thi, nếu học sinh được “gà” trước thì kết quả không thể khách quan được. Chưa nói đến sự “nể nang” giữa hai bên. Trường nhận về giao cho giáo viên, giáo viên biết là “ngồi nhầm lớp” nhưng không dám kêu vì lớp nào cũng như vậy cả. Từ dưới “gốc” mà đã như vậy thì lên lớp trên sao mà học được. Không học được nên nhiều em chán nản bỏ học, thầy cô xuống nhà động viên lên lớp trở lại, rồi bồi dưỡng thêm nhưng “lỗ hổng” kiến thức cả một cấp học làm sao mà lấp?”.

Có lẽ cũng do “lỗ hổng” kiến thức nên có nhiều bài bỏ trắng, nhiều bài chỉ làm được 1, 2 câu trên tổng số 6 câu, trong khi đây là một bài kiểm tra học kỳ rất quan trọng!

Một số bài kiểm tra học kỳ II của học sinh lớp 6 đề cập trong bài.

Được biết, theo Chương trình giáo dục năm 2006 do Bộ GD-ĐT ban hành, mục tiêu của môn Tiếng Việt cấp Tiểu học bao gồm:

1. Hình thành và phát triển học sinh các kỹ năng sử dụng tiếng Việt (đọc, viết, nghe, nói) để học tập và giao tiếp trong các môi trường hoạt động của lứa tuổi. Thông qua việc dạy tiếng Việt, góp phần rèn luyện các thao tác tư duy.

2. Cung cấp cho học sinh những kiến thức sơ giản về tiếng Việt, về tự nhiên, xã hội và con người, về văn hóa, văn học của Việt Nam và nước ngoài.

3. Bồi dưỡng tình yêu tiếng Việt và hình thành thói quen giữ gìn sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng Việt, góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa cho học sinh. 

Song các bài kiểm tra trên cho thấy cả 3 mục tiêu đều quá “xa vời” so với những gì các bài đã thể hiện. Điều thấy rõ nhất là các em đã làm méo mó tiếng Việt. Với kỹ năng tiếng Việt như vậy, thật khó để các em tiếp thu kiến thức các môn học khác. Và trong khi phải “đánh vật” với tiếng Việt thì làm sao các em có tình yêu tiếng Việt để mà bảo vệ sự “trong sáng, giàu đẹp” của nó! Càng khó nói hơn với mục tiêu “góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa cho học sinh”, khi mà các em không có khả năng tiếp nhận đầy đủ những nội dung mà nhà trường giáo dục cho các em.

Nên chăng, ngành giáo dục tỉnh cần có một cuộc khảo sát kỹ năng sử dụng tiếng Việt ở các lớp cuối cấp Tiểu học và đầu cấp THCS để có giải pháp chấn chỉnh kịp thời, bởi chất lượng môn tiếng Việt có vai trò quyết định rất lớn đến chất lượng học tập của học sinh và đến mục tiêu giáo dục của nhà trường. Đặc biệt cần siết chặt việc nghiệm thu bàn giao chất lượng giáo dục cuối cấp Tiểu học cho trường THCS, tránh sa vào hình thức, hay bị áp lực của bệnh thành tích chi phối...

Thế Nhân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.