Multimedia Đọc Báo in

Học “cấp 2”, thi bài “cấp 1”!

06:05, 19/06/2022

Để giúp học sinh lớp 6, lớp 7 vượt qua kỳ thi lại môn Ngữ văn, nhà trường đã phải cho học sinh làm thêm đề bài chính tả ở cấp Tiểu học!

Sau khi bài “Đây có phải là học sinh lớp 6?” được đăng trên Báo Đắk Lắk Cuối tuần số ra ngày 5/6/2022, tôi tiếp tục liên hệ với anh bạn giáo viên để hỏi về kết quả điểm bài kiểm tra môn Ngữ văn ở các lớp 6 anh dạy.

Anh thông tin, không chỉ 2 lớp anh dạy mà cả 4 lớp khối 6 đều có tình trạng rất nhiều em chưa “đọc thông viết thạo”. Kết quả là có gần 40 em bị điểm từ 0 đến dưới 2,5 điểm phải thi lại (chiếm gần 25% học sinh toàn khối). Anh cho biết thêm: Lần này phải dùng thêm đề Tiểu học thì may ra các em đủ điểm lên lớp, chứ đề lớp 6 thì kết quả cũng như cũ thôi.

Cụ thể như sau: Đề thi có 2 phần, phần đầu (câu 1) của đề là “Nghe viết” (tức chính tả trong môn Tiếng Việt ở Tiểu học). Giáo viên đọc một đoạn văn cho học sinh chép; đọc rất chậm từng câu, mỗi câu 4 lần. Câu này chiếm tới 4 điểm.

Sau khi đọc cho học sinh chép xong, giáo viên cắt phần đoạn văn “nghe viết” đem cất và đưa cho học sinh phần đề còn lại gồm các các câu hỏi kiến thức môn Ngữ văn, kiểu như: đoạn văn này ở trong tác phẩm nào, của tác giả nào; ý nghĩa của đoạn văn là gì; rồi thêm 1 - 2 câu về ngữ pháp…

Phần chính tả, chỉ cần nghe giáo viên đọc chậm chép lại là đã cầm chắc được 3 - 4 điểm, thêm vài điểm phần Ngữ văn là đủ điểm trung bình. Thế nhưng lần này vẫn có nhiều em bỏ giấy trắng, nghĩa là không thể “nghe” để “viết” (nên cũng không có nội dung để làm tiếp mấy câu hỏi sau có liên quan đến đoạn văn)! Những em chép được thì cũng lõm bõm chữ được chữ mất; cũng lại mắc các lỗi không đáng có như sai dấu thanh, sai vần, không thể đọc ra được nội dung gì…

Một số bài thi lại của các em học sinh lớp 6.

Nhân tiện, anh bạn chia sẻ thêm, tình trạng chưa “đọc thông viết thạo” còn có cả ở học sinh lớp 7! Nghĩa là các em lớp 7 thi lại môn Ngữ văn cũng phải dùng tới đề chính tả. Và sai sót cũng không khác mấy so với khối 6.

Về nguyên nhân, anh bạn tôi lý giải: “Cũng như nhiều trường vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, trường em dạy có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số cao, ngoài dân tộc thiểu số tại chỗ còn có dân tộc miền núi phía Bắc di cư vào. Vì thế nên việc học môn Tiếng Việt của các em có những khó khăn nhất định. Ngoài ra cũng có không ít học sinh người Kinh chưa “đọc thông viết thạo” nhưng vẫn được lên lớp 6, lớp 7…”. Tôi hỏi: Đề thi lại có phần chính tả vậy có đúng quy chế không? Đáp: Chương trình lớp 6, lớp 7 không có môn chính tả nên ra đề chính tả là trái với quy chế. Nhưng nếu đề chỉ ra phần Ngữ văn thì không thể nào có đủ điểm để lên lớp, đành phải làm theo cách trên(!).

Như vậy có thể thấy rằng, chất lượng môn Tiếng Việt thấp là có những lý do khách quan. Tuy nhiên, thay vì tìm giải pháp để giúp các em cải thiện kỹ năng tiếng Việt thì nhà trường lại sử dụng biện pháp tiêu cực là ra đề trái với quy chế trong đánh giá kết quả học tập. Cách làm này không phải để đánh giá chất lượng học tập đúng thực chất mà là để hợp thức hóa việc cho lên lớp, là nguyên nhân của tình trạng “ngồi nhầm lớp”. Còn học sinh sau khi lên lớp rồi thì chán học, sợ học vì không hiểu bài, lúc nào kiểm tra cũng bị điểm kém, nên chuyện bỏ học là đương nhiên. Chưa "đọc thông viết thạo" mà nghỉ học thì tái mù chữ là nguy cơ đã thấy trước!...

Thiết nghĩ, với phương châm của ngành giáo dục là “Tất cả vì học sinh thân yêu!” nên không có lý gì cho các em lên lớp bằng mọi giá, để rồi đẩy các em vào đời với nguy cơ tiếp tục bị mù chữ. Vấn đề ở đây không chỉ dừng lại ở phản ánh sai chất lượng học tập mà còn làm thui chột cả một thế hệ học sinh.

Đã đến lúc cần phải thực hiện một cách nghiêm túc yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối với ngành giáo dục: “Học thật, thi thật, nhân tài thật”. Cần tập trung ngay vào việc phát hiện những học sinh “ngồi nhầm lớp” để có biện pháp “giải cứu” cho các em. Việc này có thể sẽ ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ lên lớp, tốt nghiệp, nhưng đây là trách nhiệm, vì chúng ta chưa làm tròn thì phải tiếp tục làm. Ngoài ra, đó còn là yêu cầu của việc phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa - hiện đại hóa, vì không thể đào tạo người lao động biết ứng dụng khoa học và công nghệ từ những người chưa “đọc thông viết thạo”.

Thế Nhân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.