Quản lý, điều hành công tác giáo dục phù hợp thực tế
Theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố, vị trí của tỉnh Đắk Lắk có biến động trên bảng xếp hạng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GD-ĐT PHẠM ĐĂNG KHOA.
* Ông đánh giá như thế nào về kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của tỉnh Đắk Lắk?
Theo kết quả thi Bộ GD-ĐT công bố, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên toàn tỉnh là 96,8%, giảm 0,23% so với năm 2021 (tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sau khi có kết quả phúc khảo là 97,03%). So với các tỉnh thành trong cả nước, tỉnh Đắk Lắk đứng thứ 56 trong bảng xếp hạng (năm 2021 đứng thứ 57).
Nhiều cơ sở giáo dục tiếp tục giữ được tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%. Đặc biệt, nhiều học sinh đạt điểm tối đa (10 điểm) ở các môn Lịch sử, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ…; môn Ngữ văn có điểm cao nhất là 9,75; nhiều học sinh cũng có điểm cao trong khối tuyển sinh đại học. Điều này đã thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa động viên học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Krông Năng) chuyên tâm học tập. |
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chung toàn tỉnh (bao gồm học sinh lớp 12 và khối giáo dục thường xuyên, thí sinh tự do) đã phản ánh khách quan về chất lượng dạy học của tỉnh trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 hết sức khó khăn.
* Có nhiều yếu tố tác động đến chất lượng giáo dục. Nhìn từ một kỳ thi thì nguyên nhân nào khiến kết quả đạt được chưa cao, thưa ông?
Năm học 2021 - 2022 là năm học đầy khó khăn đối với học sinh cả nước cũng như tỉnh Đắk Lắk (đặc biệt là học sinh khối 12) khi chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Phần lớn thời gian học sinh học trực tuyến, trong đó có một số địa phương thời gian học trực tiếp rất ngắn.
Đơn cử như TP. Buôn Ma Thuột và huyện Krông Ana đến tháng 4/2022 mới tổ chức dạy học trực tiếp. Còn các trường vùng sâu, vùng xa cũng gặp nhiều khó khăn trong dạy học trực tuyến khi nhiều học sinh thiếu thiết bị để học. Theo thống kê, từ lớp 1 đến lớp 12 toàn tỉnh thiếu hơn 67.000 thiết bị học trực tuyến; điều đó dẫn đến việc tổ chức dạy học trực tuyến không bảo đảm bằng dạy học trực tiếp.
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT cũng nhận thấy công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS chưa đạt mục tiêu so với yêu cầu. Những năm trước, tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 thường cao hơn so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ. Cụ thể là tỉnh Đắk Lắk có 85% học sinh đỗ tốt nghiệp THCS vào học THPT; trong khi đó yêu cầu phân luồng là có 25% học sinh đi học trường nghề.
Bởi Đắk Lắk là địa bàn rộng, số lượng học sinh đông, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số; các cơ sở đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu học nghề xong ra có việc làm nên chưa thu hút được học sinh vào học nghề. Nếu không tuyển các em vào lớp 10 THPT thì các em không biết làm gì nên ngành phải tuyển sinh với tỷ lệ cao hơn so với các tỉnh trong khu vực dẫn đến chất lượng đầu vào bị hạn chế. Đây cũng là bài toán nan giải mà ngành giáo dục nhiều năm qua chưa giải quyết được.
Về phía chủ quan, ngành cũng nhận thấy công tác tổ chức ôn tập, phụ đạo cho học sinh tại một số trường chưa hiệu quả.
*Thực tế đó cho thấy có những khó khăn, bất cập khó có thể tháo gỡ, giải quyết thấu đáo ngay được mà cần phải có quá trình, lộ trình thích hợp. Theo ông, đâu là vấn đề cần quan tâm giải quyết trước mắt?
Hiện tại, giáo dục mũi nhọn của tỉnh Đắk Lắk đang đứng thứ 24 trong bảng xếp hạng của cả nước. Trong khi đó, giáo dục toàn diện, đặc biệt là kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn đang ở nhóm thấp. Thời gian tới, ngành sẽ phấn đấu nâng thứ hạng lên nhóm trung bình.
Để đạt được mục tiêu đó, Sở sẽ giảm tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 để bảo đảm phân luồng học sinh. Cùng với đó là đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức dạy phụ đạo, ôn tập cho học sinh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; chú trọng công tác giáo dục ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để các em nắm bắt được chương trình, đặc biệt là Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Mặt khác, trước đây phần lớn học sinh thi tốt nghiệp kết hợp lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng nhưng hiện nay có một số lượng nhất định học sinh thi tốt nghiệp để lấy bằng tốt nghiệp sau đó học nghề; một số sử dụng các phương thức xét tuyển khác trước đó theo yêu cầu của các cơ sở đào tạo nên kỳ thi tốt nghiệp chỉ lấy kết quả xét tốt nghiệp. Đây vừa là nguyên nhân vừa là xu hướng mới ghi nhận sự bắt nhịp nhanh, kịp thời của giáo dục tỉnh nhà. Sở sẽ nắm bắt và có sự quản lý, điều hành phù hợp với thực tế để hỗ trợ tối đa cho các em.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện thì ngoài sự nỗ lực của nhà trường, giáo viên và học sinh cũng cần có sự quan tâm nhiều hơn từ phía gia đình, xã hội để động viên, hỗ trợ, giúp đỡ các em.
* Xin cảm ơn ông!
Thanh Hường (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc