Multimedia Đọc Báo in

Để thành tích không còn là “bệnh”

11:26, 29/08/2022

Trong ngôn ngữ đời thường, chúng ta vẫn hiểu thành tích là công lao ghi được, đạt được của một cá nhân hoặc tập thể sau một quá trình nỗ lực cố gắng thực hiện.

Như vậy, tự bản thân thành tích chưa bao giờ và không bao giờ là "bệnh". Việc ngụy tạo thành tích và những sai lầm về thước đo thành tích đã khiến “thành tích” trở thành “bệnh”.

Đã có rất nhiều cuộc thảo luận, diễn đàn trên truyền thông đại chúng về những hệ lụy của căn bệnh thành tích trong giáo dục. Trong đó, nổi lên là những áp lực nặng nề đến với giáo viên, học sinh và phụ huynh. Nhưng điều đáng lo ngại hơn mà nhiều ý kiến cũng đã chỉ ra là, căn bệnh thành tích là nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng thiếu trung thực trong giáo dục. Đó có thể được xem là sự thất bại của giáo dục nếu như xem quá trình giáo dục chính là quá trình dạy làm người.

1
Cô và trò Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory chuẩn bị năm học mới 2022 - 2023. Ảnh: Đức Hoàn 

Nhìn lại chính sách, chúng ta thấy, từ năm 2004, Quốc hội khóa XI đã có Nghị quyết về yêu cầu đổi mới thi đua trong giáo dục, khắc phục bệnh thành tích chủ nghĩa. Năm 2005, Luật Giáo dục đã có quy định nhà giáo và người học không được có hành vi gian lận trong kiểm tra, thi cử, tuyển sinh, giảng dạy và học tập. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị về việc chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. Sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục", coi đây là khâu đột phá trong năm học 2006 - 2007 để lập lại trật tự, kỷ cương trong dạy và học, làm tiền đề triển khai những giải pháp khác nhằm khắc phục các yếu kém trong ngành, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, “bệnh” thành tích trong lĩnh vực giáo dục vẫn được xem là “trầm kha”. Ngày 12/8/2022 vừa qua, tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thẳng thắn chỉ ra lý do mà chúng ta cứ mãi loay hoay trong câu chuyện thi cử, tuyển sinh đại học là vì chúng ta chưa thực sự trung thực trong giáo dục.

Một vấn đề đặt ra là, làm thế nào để "thoát" tiêu cực, “bệnh” thành tích trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Dĩ nhiên, đây là câu chuyện phức tạp, liên quan triết lý giáo dục và hệ thống phương pháp dạy học cũng như phương pháp kiểm tra đánh giá kèm theo. Trong lúc chờ đợi những thay đổi lớn từ thước đo thành tích giáo dục ở tầng vĩ mô, với tư cách là giáo viên, chúng tôi cho rằng, với bất cứ sự học nào, người làm giáo dục cần cho học trò thấy được ý nghĩa của việc học, tức là vì sao phải học, học để làm gì, nên học cái gì và học như thế nào. Khi người học đã nhận ra được ý nghĩa của việc học và phương pháp học, họ sẽ học với động lực nội tại và nhận ra rằng, giáo dục khiến cho cuộc sống của họ đang trở nên tốt đẹp hơn.

Có lẽ, ở bậc phổ thông, việc hình thành năng lực văn hóa để làm người phải luôn được nhấn mạnh là mục tiêu của giáo dục. Điều này cần được thống nhất giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong cả nhận thức và các ứng xử thực tế. Hy vọng rằng, khi đó, thành tích là điều tốt đẹp mà cá nhân, gia đình và xã hội đều mong muốn hướng tới đạt được chứ không phải là “bệnh”.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.