Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Tìm giải pháp “gỡ khó” về biên chế giáo viên tiểu học

08:16, 01/08/2022

Năm học 2022 – 2023, huyện Krông Bông còn thiếu 83 biên chế giáo viên cấp tiểu học để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; trong đó thiếu nhiều nhất là giáo viên môn ngoại ngữ và tin học.

Để chuẩn bị cho năm học mới, huyện Krông Bông đang nỗ lực tìm mọi giải pháp khắc phục với mục tiêu bảo đảm tất cả học sinh lớp 3 trên địa bàn huyện đều được học môn ngoại ngữ và tin học.

Theo quy định đối với cấp tiểu học, để triển khai dạy 2 buổi/ngày thì phải đạt tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp. Tuy nhiên, hiện nay huyện Krông Bông mới chỉ đạt tỷ lệ 1,29 giáo viên/lớp, tại một số trường ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì tỷ lệ này chỉ là 1,2 giáo viên/lớp. Toàn huyện hiện có 22 trường tiểu học và 2 trường tiểu học- THCS nhưng mới chỉ có 19 giáo viên dạy môn tiếng Anh, 6 giáo viên dạy tin học, trong đó có một số giáo viên hợp đồng theo hình thức xã hội hóa.

Trước tình hình này, để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong năm học tới với mục tiêu bảo đảm tất cả các trường đều triển khai dạy 2 môn ngoại ngữ và tin học cho lớp 3, huyện Krông Bông đã đề ra nhiều phương án phù hợp với điều kiện của các trường: giáo viên 2 môn trên sẽ dạy liên cấp, dạy thỉnh giảng liên trường, đề nghị UBND huyện hỗ trợ thêm kinh phí hợp đồng giáo viên…

Giờ tin học của học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Cư Pui 1.

Theo đó, một số trường có biên chế chưa sử dụng do có giáo viên nghỉ hưu, giáo viên chuyển trường, nhập lớp thì các trường sẽ linh động dành biên chế hợp đồng giáo viên dạy tiếng Anh, tin học cho trường và dạy thỉnh giảng những trường gần. Có trường chỉ có một lớp 3, chưa có giáo viên tin học như Trường Tiểu học Dang Kang 2 thì hiệu trưởng tình nguyện đảm nhận dạy tiết tiêu chuẩn môn tin học và công nghệ (2 tiết/tuần). Còn như Trường Tiểu học Êa Trul (xã Êa Trul) thì áp dụng phương án linh động, hợp đồng ngay nhân viên của trường dạy tin học để 125 học sinh lớp 3 năm học này được học môn tin học. Thầy Nguyễn Văn Tiến, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Do chưa có biên chế giáo viên dạy tin học nên nhà trường đang làm tờ trình xin cấp trên cho chủ trương hợp đồng nhân viên thiết bị thuộc biên chế của nhà trường đã học xong Đại học Sư phạm ngành tin học nhưng chưa được chuyển đổi sang ngạch giáo viên; còn công tác thiết bị sẽ phân công nhân viên thư viện kiêm nhiệm”.

Phòng GD-ĐT huyện cũng khuyến khích một số trường làm tốt công tác xã hội hóa như Trường Tiểu học Nhân Giang (xã Yang Mao), Trường Tiểu học Dang Kang 2 (xã Dang Kang) tiếp tục tuyên truyền, vận động phụ huynh chung tay đóng góp để học sinh tiếp tục được học môn ngoại ngữ. Ngoài ra, trong những năm qua, huyện Krông Bông đã thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp, từng bước xóa điểm lẻ, tinh gọn bộ máy nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục và nhờ đó tiết kiệm được biên chế. Riêng trong năm học 2022 - 2023, huyện dự kiến sáp nhập 5 lớp. Số biên chế dôi dư này sẽ được UBND huyện điều chuyển về những trường thiếu nhiều giáo viên.

Với những trường thiếu giáo viên, không thể bố trí biên chế, khó khăn trong việc dạy thỉnh giảng thì Phòng GD-ĐT tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện bổ sung thêm kinh phí để các trường chủ động hợp đồng giáo viên giảng dạy. Ông Huỳnh Viết Trung, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD-ĐT huyện Krông Bông cho biết: “Dù còn nhiều khó khăn song bằng mọi cách năm học này huyện Krông Bông quyết tâm bảo đảm 100% học sinh lớp 3 các trường tiểu học trên địa bàn huyện đều được học môn ngoại ngữ và tin học theo quy định”.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.