Multimedia Đọc Báo in

"Cú đúp" điểm 10 của hai học trò vùng sâu

08:30, 29/07/2022

Vượt qua hoàn cảnh khó khăn, nhiều học sinh trên địa bàn tỉnh đã đạt điểm cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.  Điển hình là Trần Hiển Hoàng (lớp 12A9, Trường THPT Krông Bông) và Phạm Thị Kiều Ly (lớp 12A1, Trường THPT Tôn Đức Thắng) khi đạt “cú đúp” điểm 10.

Tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng và là dấu gạch nối để nhiều học sinh tiếp tục theo đuổi con đường học tập. Xác định điều đó,  em Trần Hiển Hoàng (thôn 12, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) đã cố gắng chuyên tâm học hành, ôn luyện. Với điểm số khá cao ở khối C xét tuyển đại học, gồm 2 điểm 10 môn Địa lý và Lịch sử, điểm 7,5 môn Ngữ văn, Hoàng dự định đăng ký nguyện vọng vào ngành Biên phòng (Học viện Biên phòng) hoặc ngành Luật.

Em Trần Hiển Hoàng (thứ 2 từ trái qua) chụp hình cùng gia đình. Ảnh nhân vật cung cấp

Chia sẻ bí quyết học tập, Trần Hiển Hoàng cho biết, lịch học của em không khác nhiều với các bạn cùng trường, quan trọng là cách nắm bắt kiến thức trọng tâm. Ở các môn xã hội, em luôn cố gắng hiểu rõ bản chất vấn đề rồi mới học thuộc; đọc tới đâu hiểu tới đó chứ không ôm đồm, đây là bước quan trọng quyết định điểm số. Bước 2 là vẽ sơ đồ tư duy, ghi chú phần quan trọng ra giấy. Bước 3 là đọc nhẩm và viết ra giấy. Bước cuối cùng mới là học thuộc. Cùng với đó là tổ chức học theo nhóm với các bạn để cùng hỗ trợ, động viên nhau; nhờ giáo viên bộ môn ôn tập thêm ở các môn học mình còn yếu để tránh tình trạng học lệch hay bị điểm liệt khi thi tốt nghiệp.

Em Phạm Thị Kiều Ly, Trường THPT Tôn Đức Thắng (xã Tam Giang, huyện Krông Năng) đạt 2 điểm 10 ở môn Lịch sử và Giáo dục công dân. Kiều Ly bộc bạch rằng, em không khỏi lo lắng khi bước vào kỳ thi vì suốt 3 năm học THPT, nhất là năm học lớp 12 , do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên điều kiện học tập của em cũng như các bạn cùng trường có những hạn chế nhất định. Em không đi học thêm mà chỉ học theo chương trình ôn tập của nhà trường, khi lên lớp thì tập trung nghe giảng, về nhà cố gắng làm đầy đủ bài tập, những bài khó thì nhờ thầy cô giảng thêm.

Em Phạm Thị Kiều Ly. Ảnh nhân vật cung cấp

Ở các xã vùng sâu, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, điều kiện học hành của con em cũng bị ảnh hưởng nhất định, hiện tượng học lệch (giỏi một số môn và yếu một số môn học) khá phổ biến. Do đó, để có học lực cân bằng nhất định, các em phải nỗ lực rất nhiều. Cùng với sự nỗ lực của học sinh là sự tận tâm đồng hành của giáo viên sao cho vừa bảo đảm chương trình học, vừa có phương pháp, bài giảng phù hợp năng lực của học sinh.

Thầy Nguyễn Thanh Tịnh, giáo viên môn Địa lý (Trường THPT Krông Bông) chia sẻ, học sinh miền núi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa có những đặc thù nhất định, các em không có nhiều cơ hội, môi trường để tiếp xúc, cọ xát kiến thức; điều kiện kinh tế khó khăn nên phụ huynh không có nhiều thời gian quan tâm đến việc học của con em mình.

Do đó, thầy đã vận dụng kiến thức trong chương trình học và đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm vừa qua của Bộ GD-ĐT để xây dựng các đề thi riêng phù hợp với năng lực học sinh trường mình. Đồng thời, tổ chức ôn tập theo từng chuyên đề nhằm giúp học sinh nhận dạng đề thi; rèn kỹ năng làm bài; chú trọng nội dung vận dụng Atlat Địa lý…

Trên phương diện quản lý, thầy Lê Hữu Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Đức Thắng cho biết, dịch bệnh khiến công tác tổ chức dạy học thay đổi liên tục từ trực tuyến sang trực tiếp và ngược lại, các hoạt động ngoại khóa gần như không được tổ chức, ảnh hưởng nhất định đến việc tiếp thu kiến thức cũng như tâm thế học của học sinh.

Do đó, nhà trường đã yêu cầu giáo viên bộ môn bám sát chương trình học; căn cứ vào nhu cầu đăng ký môn thi tốt nghiệp THPT của học sinh để tổ chức ôn tập theo từng môn học. Đồng thời, yêu cầu các giáo viên hỗ trợ tối đa cho học sinh để các em tự tin bước vào kỳ thi.

Sự nỗ lực của cả thầy và trò vùng sâu đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Ngoài hai trường hợp đạt "cú đúp" điểm 10 nêu trên, còn nhiều trường hợp đạt điểm 10 ở từng môn. Trường THPT Krông Bông có 3 thí sinh đạt điểm 10 môn Lịch sử, 1 thí sinh đạt điểm 10 môn Địa lý, cũng là điểm 10 duy nhất môn Địa lý của cả tỉnh trong  Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.