Multimedia Đọc Báo in

Vui buồn từ đề xuất miễn học phí THCS

08:11, 08/08/2022

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022 mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề xuất thực hiện ngay việc miễn học phí cho toàn bộ (100%) học sinh hệ THCS từ năm học 2022 - 2023.

Thông tin trên ngay lập tức nhận được sư quan tâm sâu sắc của dư luận dù không phải là mới mẻ gì.

Hải Phòng là địa phương đầu tiên miễn 100% học phí đối với bậc học từ mầm non đến THCS từ năm học 2020 - 2021, bậc THPT từ năm học 2021 - 2022. Năm 2018, TP. Hồ Chí Minh cũng đã từng đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS với cam kết ngân sách thành phố đủ sức cấp bù cho khoản học phí này. Tuy nhiên, đề xuất này không được phê duyệt vì vướng thủ tục và quy định hiện hành.

Ngược dòng thời gian, đã có lúc tuy đất nước còn nghèo nhưng học sinh từ lớp vỡ lòng đến lớp 10, thậm chí cả ở bậc đại học đều không phải đóng học phí. Thời tôi là sinh viên đại học còn được hưởng học bổng cùng chế độ tem phiếu lương thực, thực phẩm, vải vóc.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của Liên hiệp quốc (có hiệu lực từ ngày 3/1/1976) quy định giáo dục bắt buộc về nguyên tắc là giáo dục miễn phí cho tất cả mọi người, và thời lượng giáo dục bắt buộc có thể khác nhau tùy theo điều kiện và chính sách của từng quốc gia. Có lẽ vì thế mà PGS.TS. Nguyễn Hồng Cổn, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: "Đề xuất này (của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn) là điều tất nhiên và đáng lẽ phải làm từ lâu rồi. Nhiều nước nghèo hơn cả Việt Nam chúng ta cũng miễn học phí đến lớp 9. Bây giờ chúng ta mới có đề xuất đến lớp 9 là hơi muộn”.

 

Điều mà PGS.TS. Nguyễn Hồng Cổn nói không phải là không có cơ sở. Trang NationMaster - một trang chuyên cung cấp số liệu thống kê và so sánh giữa các nước - cho biết, trong 171 nước trên thế giới hiện có: 6 nước miễn học phí 13 năm; 9 nước miễn học phí 12 năm; 18 nước miễn học phí 11 năm; 35 nước miễn học phí 10 năm; 37 nước miễn học phí 9 năm; 17 nước miễn học phí  8 năm… Việt Nam nằm ở nhóm 6 nước miễn học phí 5 năm (bậc tiểu học), xếp thứ 165/171, đồng hạng với 5 nước là Pakistan, Bangladesh, Nepal, Myanmar, Ghine. Tuy thế, chúng ta vẫn còn được an ủi vì đứng trên nước chót bảng là Angola (4 năm).

Trước thông tin về đề xuất miễn học phí cho học sinh bậc THCS của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều phụ huynh tỏ ra vui mừng vì gánh nặng chi tiêu hằng tháng sắp được cắt giảm một khoản đáng kể, bởi học phí từng là nỗi lo canh cánh mỗi khi bước vào năm học của không ít gia đình có thu nhập thấp hoặc trung bình, hoặc ở nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Nhưng mừng đó mà cũng là lo đó. Lo vì sợ học phí được miễn sẽ khiến các loại phụ phí khác “tăng giá”, có khi còn cao hơn cả học phí như tiền mua sách giáo khoa, tiền mua dụng cụ thực hành, tiền học kỹ năng sống, tiền học tin học và tiếng Anh, tiền quỹ lớp, tiền vệ sinh…

Chỉ khi nào gánh nặng tiền trường (trong đó có học phí) không còn tạo áp lực nặng nề lên vai phụ huynh và tác động không tốt đến tâm lý học sinh thì lúc đó giáo dục nước nhà mới có cơ hội khởi sắc, thực sự hội nhập theo xu thế phát triển của thế giới.

Nguyễn Duy Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.