Multimedia Đọc Báo in

Đừng chiều chuộng trẻ thái quá

08:41, 23/10/2022

Mấy ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền một clip dài hơn 5 phút ghi lại cảnh một nữ sinh ngồi ở bàn đầu trong lớp cãi nhau với thầy giáo.

Đối ngôn của học sinh như một máy phát đã được ai đó lập trình sẵn, với những ngôn từ hỗn hào, xấc xược: “Ông có quyền gì mà cấm tôi, ông là giáo viên gì mà dám la tôi, giựt lỗ tai tôi, ông nuôi tôi ngày nào đâu...”. Thậm chí có lúc nữ sinh này xưng “mày – tao” với thầy giáo và còn chửi tục nhiều lần.

Clip nữ sinh cãi nhau với thầy giáo. Ảnh cắt từ clip
Clip nữ sinh cãi nhau với thầy giáo. (Ảnh cắt từ clip/internet)

Được biết, vụ việc nữ sinh lớp 12 đối đáp lộng ngôn với thầy giáo xảy ra ở một trường THPT thuộc thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Sau khi clip đăng tải, nhiều bình luận đã bày tỏ sự phẫn nộ, không thể chấp nhận sự đối đáp với giáo viên bằng ngôn ngữ tục tĩu, phi đạo đức của nữ sinh cuối cấp, cái tuổi đã nhận thức được lẽ ghét thương, đúng sai, cái tuổi đã được thầy cô trang bị kiến thức và sự hiểu biết thường thức cần thiết chuẩn bị bước vào đời.

Bên cạnh đó, cũng không ít bình luận cho rằng một phần lỗi từ cách răn dạy của người lớn. Việc giáo dục học sinh không chỉ là ở trường học, giáo dục là sự hài hòa đồng bộ từ nhà trường, gia đình và xã hội, bởi tri thức ở trong đầu còn đạo đức ở trong tim.

Thời gian gần đây, việc thầy cô nghiêm khắc với học trò khi kiểm tra, thi cử, hay phê bình nặng lời học sinh trước lớp khi các em vi phạm rất dễ bị đưa lên mạng xã hội làm chủ đề bàn tán hoặc bị học sinh chửi bới trực tiếp, thậm chí bị đe dọa hành hung, tiêu biểu là sự việc trên. Điều đó cho thấy trước hết nhiều bậc cha mẹ chưa làm tròn vai trò trách nhiệm trong phối hợp giáo dục con cái, phụ huynh ít có thời gian chăm sóc, quan tâm đến suy nghĩ, tâm lý con cái, không nắm bắt sự thay đổi bất thường của con. Không ít phụ huynh lo làm việc, mải kiếm tiền, xem việc giáo dục con em là của nhà trường. Thêm vào đó, nhiều phụ huynh lại chiều chuộng con thái quá, con muốn gì được đó đã khiến trẻ coi thường mọi thứ; khi xảy ra các sự việc, nhiều phụ huynh hoàn toàn tin lời con hơn giáo viên nên không ít trường hợp phụ huynh đã lớn tiếng, xúc phạm thầy cô, thậm chí có phụ huynh kích động, xúi giục con cái, lôi kéo các phần tử xấu bên ngoài đến đe dọa, hành hung giáo viên.

Đề cập vấn đề “Trẻ hư hỏng, lỗi về ai?”, TS. Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và đào tạo - Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: “Gia đình là một tế bào của xã hội, là cái nôi hình thành và phát triển nhân cách cho mỗi cá nhân. Nếu trẻ em hư hỏng trước hết thuộc về lỗi các bậc làm cha, làm mẹ. Bởi vì, từ khi mới sinh ra cho đến tuổi đi học, trẻ chịu sự chi phối sâu sắc của cha mẹ, mọi hành vi, cử chỉ, thái độ, tình cảm của cha mẹ đều tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến sự hình thành nhân cách của trẻ. Cha mẹ sống hòa thuận, dành nhiều thời gian chăm sóc, yêu thương và quan tâm đến việc nuôi dạy con cái thì trẻ sẽ có phẩm chất tốt. Còn đối với những gia đình thiếu sự quan tâm giáo dục, bỏ rơi con cái thì phần lớn con cái họ khó trở thành những người có nhân cách tốt”.

Về phía nhà trường, một số thầy cô giáo còn du di, dễ dãi, chưa xử lý đúng mức trong quá trình giáo dục khi học sinh sai phạm, nhiều khi vì thành tích của lớp, của trường nên việc xử lý học sinh cá biệt chưa đến nơi đến chốn, làm chưa đúng quy trình, thiếu chặt chẽ, kiên quyết; bị áp lực chi phối chuyện khác dẫn đến học sinh cá biệt, hư hỏng vẫn nhởn nhơ, xem thường kỷ cương trường học, dẫn đến những vết trượt dài.

“Tiên học lễ, hậu học văn”! Một câu mắng học trò, một cái véo tai, một cái đánh vào bàn tay bằng thước kẻ… của người thầy âu cũng chỉ là mong học sinh trở thành tốt đẹp hơn, ngoan hơn. Hy vọng rằng các bậc phụ huynh và cả xã hội cần có cái nhìn tích cực, công bằng hơn về thầy cô giáo để cùng nhau giáo dục con em mình, giáo dục học sinh trở thành người có nhân cách tốt đẹp.

Võ Hữu Lộc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.