Lương giáo viên mới ra trường… thấp hơn thu nhập của sinh viên sư phạm!
Được trở thành thầy cô giáo là ước mơ đẹp của rất nhiều học sinh, nhất là các em nhà nghèo, ở vùng sâu, vùng xa. Ước mơ này được tiếp sức mạnh mẽ hơn khi sinh viên sư phạm vừa được miễn học phí lại vừa được hỗ trợ sinh hoạt phí, vừa được đi học, vừa được có thu nhập.
Từ khóa tuyển sinh 2021, theo Điều 4 Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, sinh viên được hỗ trợ hai khoản là học phí và sinh hoạt phí.
Trong đó, tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học; mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường (mỗi năm học 10 tháng).
Ảnh minh họa: Đức Hoàn |
Có thể xem 3,63 triệu đồng là thu nhập “cứng” của mỗi sinh viên sư phạm vì nếu như kết quả học tập đạt từ loại khá trở lên, sinh viên còn được nhận học bổng khuyến khích học tập thường xuyên của trường, đồng thời có cơ hội nhận các loại học bổng khác dành cho đối tượng khó khăn (hộ nghèo, cận nghèo…). Dĩ nhiên, đã xác định trở thành thầy cô giáo trong tương lai thì sinh viên sư phạm nào cũng nỗ lực học tập hết mình bởi nếu bản thân không làm gương thì sau này sao có thể dạy dỗ học trò.
Thu nhập này của sinh viên sư phạm thậm chí còn… cao hơn lương của giáo viên mới ra trường. Thực vậy, hiện nay mức lương cơ sở đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP, tiền lương tháng của cử nhân sư phạm/giáo viên mới ra trường được tính theo công thức: Tiền lương tháng = Hệ số lương x Mức lương cơ sở + Mức phụ cấp ưu đãi được hưởng - Mức đóng bảo hiểm xã hội (phải sau 5 năm công tác thì giáo viên mới được hưởng phụ cấp thâm niên). Mức phụ cấp ưu đãi = lương cơ sở x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi. Trong đó, tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi dao động từ 25% đến 50%, tùy từng đối tượng giáo viên và địa bàn công tác.
Hệ số lương khởi điểm của giáo viên tiểu học, THCS, THPT theo quy định đều là 2,34. Do đó, tính tổng thu nhập sau khi đã trừ bảo hiểm xã hội thì mỗi giáo viên mới ra trường chỉ còn nhận được khoảng 4,2 triệu đồng/tháng, chưa trừ các khoản đóng góp thường xuyên khác như: công đoàn phí, đảng phí, quỹ vì người nghèo, quỹ phòng, chống thiên tai… Do đó, nếu dạy ở trường công thì lương giáo viên mới ra trường còn thấp hơn sinh hoạt phí mà sinh viên sư phạm đang được nhận!
Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm được ban hành với mục đích thu hút người giỏi chọn học ngành sư phạm. Tuy nhiên, thiết nghĩ nếu lương của giáo viên không thay đổi thì mục tiêu này sẽ khó đạt được!
Bình An
Ý kiến bạn đọc