Multimedia Đọc Báo in

“Gùi chữ”lên rẻo cao

09:00, 28/11/2022

Lai Châu là vùng đất gợi về sự thăm thẳm. Và nhắc tới Lai Châu không thể không nhắc tới Mường Tè; nói tới Mường Tè phải nhớ đến dốc Tà Tổng.

Tà Tổng nằm trên con đường từ huyện vào bản Nậm Ngà. Mấy năm trước, khi tôi gặp Pờ Hùng Sang, Bí thư Huyện Đoàn Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) nhắc lại ký ức học trò, Pờ Hùng Sang chỉ nhớ mỗi con dốc Tà Tổng này. Ngày xưa, Mường Tè (thuộc tỉnh Lai Châu) và Mường Nhé (nay thuộc Điện Biên) là cùng huyện Mường Tè. Pờ Hùng Sang từ bản Tả Kố Khừ quê hương muốn ra trường huyện học phải đi bộ đúng 147 km.

Thầy cô giáo miền xuôi gian nan cắm bản…

Tôi hỏi Sang: “147 km thì đi mất mấy ngày?” Sang bảo: “Năm ngày anh ạ! Ngày thứ nhất đi bộ từ bản Tả Kố Khừ ra ngủ tại Chung Chải, cách nhà 30 km. Ngày thứ hai đi tiếp từ Chung Chải ra ngủ tại dốc Tà Tổng (Nậm Dìn, Mường Tè). Con dốc Tà Tổng này hiểm trở khét tiếng nên có khi đi mất hai, ba ngày, nếu khỏe thì đi tiếp từ Tà Tổng ra Mường Tè trong ngày thứ tư; có khi mưa lũ, suối dâng mất 5 - 6 ngày mới đến. Ra tới Mường Tè chân sưng, đau chảy nước mắt nhưng rồi lại ôm vở lên lớp”. Suốt mấy năm từ cấp 1 lên cấp 2, Sang đã đi con đường Mường Tè - Sín Thầu, Sín Thầu - Mường Tè như thế.

Bây giờ thì học trò nơi đây không còn đi bộ 147 km như ngày xưa. Các em không còn phải đi bộ quãng đường đó là nhờ rất nhiều thầy cô giáo đã đi bộ đến với các em! Các thầy giáo tôi gặp ở đây đều nhắc chuyện thay mới… xe máy. Thầy Khánh, Hiệu trưởng Trường THCS Nậm Ngà kể: “Tôi vào Nậm Ngà dạy được bốn năm thì bắt đầu có đường cho xe máy đi, đó là năm 2010”. Gọi là đường cho xe máy đi nhưng chỉ sau bảy năm thầy Khánh đã thay đến chiếc xe máy thứ ba, bởi leo con dốc Tà Tổng này, khó có máy móc nào trụ lâu được.

Hôm chúng tôi lên, chỉ dốc hun hút, con đường như sợi chỉ chênh vênh bên triền mây. Cô giáo Đỗ Lan Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Ngà chạy xe máy dẫn đường. Nhìn bóng cô giáo lẻ loi phía trước giữa hoang vu rừng núi, thăm thẳm dốc dài, chúng tôi chợt nghe se lòng khi nghĩ đến bao nhiêu thế hệ thầy cô cắm bản ở chốn thâm sơn này.

Đường đến trường của thầy trò ở Tây Bắc.

Một chuyện đáng nhớ, đang đi, anh tài xế kéo thắng xe và bảo: “Có chai nước tương ai đánh rơi, anh nhặt lên chốc nữa vào Nậm Ngà biếu các cô giáo”. Cho đến khi vượt qua ngầm, gặp lại cô giáo Hương, đưa chai tương cho cô, cô Hương nhìn xuống cái túi bóng treo trước xe máy rồi kêu lên đầy đau khổ: “Thôi chết, cả mấy chai tương của em rơi hết rồi!”. Hóa ra chai nước tương chúng tôi nhặt được là của cô Hương, tranh thủ ra huyện họp nên mua về cho bếp ăn. Cả cái túi bóng đựng mấy chai nước tương và các đồ lặt vặt treo ở xe máy, do đi đường dằn xóc làm thủng túi, rơi sạch, chỉ còn cái chai tương chúng tôi may mắn nhặt lại cho cô.

Nhưng sự hy sinh của thầy cô giáo ở chốn rẻo cao này đâu chỉ là chuyện con đường gian khó, chuyện nước lũ suối dâng, chuyện lạc đường sợ hổ vồ rắn cắn. Quá xa cách trung tâm nên hầu hết thầy cô giáo lập gia đình xong, nếu có con thì đành gửi con về xuôi cho ông bà. Nỗi buồn xa con, nỗi thiệt thòi của những đứa con xa bố mẹ chắc chắn không một “phụ cấp miền núi” nào bù đắp được. Như thầy Khánh, lên Nậm Ngà vào đầu năm học 2006, đến đầu năm học 2007, cô giáo Đinh Thị Mai Hương cũng cùng quê từ Phú Thọ lên nhận nhiệm sở ở đây. “Nặng tình đồng chí lại đồng hương”, thầy Khánh “tia” ngay và cuối năm 2007 họ cưới nhau. Cưới nhau, sinh con nhưng điều kiện công tác, điều kiện y tế ở cái bản heo hút lội bộ mấy ngày đường rừng này không ai đủ can đảm để cho con sống cùng, nhỡ ốm đau gì lại khổ cho con, khổ cho mình. Đứa con đầu của vợ chồng thầy Khánh sinh năm 2008, khi được 11 tháng đã gửi cho ông bà nội nuôi, bố mẹ lo trở lại Nậm Ngà dạy học, lâu lâu ra huyện chuyển lương về cho ông bà nuôi cháu. Vậy mà cũng ngót mười năm. Đứa con đầu lòng của họ giờ đã học lớp 4 ở quê, cháu thứ hai nay mới 2 tuổi cũng ở với ông bà nội như thế. Mỗi năm chỉ dịp Tết, dịp hè là vợ chồng ngong ngóng để ù ngay về với con. “Cứ mỗi dịp về hè, em đều có dự định đi học thêm nâng cao trình độ, nhưng cứ về nhà ôm con vào lòng, nghĩ tới chuyện xa con cả năm trời đằng đẵng lại thôi, tạm gác chuyện học lại, chỉ ở nhà quây quần với con hết cả tháng hè. Chưa kịp lo gì cho con đã thấy loay hoay vào năm học mới, lại lên bản”, cô Hương trải lòng.

Chuyện của vợ chồng thầy Khánh cũng là chuyện của nhiều cặp vợ chồng giáo viên cắm bản mà bao nhiêu chuyến công tác trên vùng cao này chúng tôi đã gặp, đã lắng nghe. Nhìn những tấm hình con cái phóng to treo ở đầu giường trong các phòng tập thể giáo viên, nghĩ về một tuổi thơ thiếu vắng bố mẹ của những đứa trẻ, nghĩ về những năm tháng xa con của những đôi vợ chồng giáo viên, chúng tôi cứ thấy lòng nghẹn đắng.

Đáp án nhỏ của bài toán lớn…

Để giải bài toán thầy cô cắm bản, cách hay nhất vẫn là có được thầy cô là người bản địa, nhưng đi hết bao nhiêu ngôi trường miền núi, tỷ lệ thầy cô người địa phương trong trường vẫn chưa đếm hết trên đầu ngón tay ! Ở Nậm Ngà này, thầy Pờ Pó Cà (dân tộc Hà Nhì), thầy giáo dạy môn Hóa là giáo viên duy nhất có quê ngay tại bản.

Pờ Pó Cà sinh năm 1992. Con đường đến trường của cậu học sinh bản Nậm Ngà lên xã học cấp 2, ra huyện học cấp 3 đã khó, nhưng chưa chắc đã khó bằng hành trình từ khi tốt nghiệp đại học rồi trở thành thầy giáo như hôm nay, cho dù thầy Pờ Pó Cà là người đầu tiên của xã Tà Tổng thi đỗ đại học.

Cô giáo Đỗ Lan Hương hằng tuần lại chạy cả trăm cây số đường bùn lầy ra huyện mang học cụ, giáo trình về cho trường.

Nếu như cuộc đời mỗi con người, mốc đánh dấu hành trình học hành là ngày bước chân đến trường mầm non, nhưng với thầy Pờ Pó Cà thì hoàn toàn không cảm nhận được không khí của trường mầm non như thế nào khi thời điểm đó Nậm Ngà chưa có điểm trường mầm non. Có lên đây mới biết những lớp học mầm non quan trọng đến mức nào, bởi với mấy năm học mầm non, các em bé người dân tộc có thể làm quen với tiếng Việt sớm nhất, làm quen với tiếng Việt sớm thì khi học lên sẽ dễ vượt qua rào cản ngôn ngữ. Đó là điều mà sau bao nhiêu chuyến lên đây, đến những bản hun hút lội bộ hai ba ngày đường chúng tôi đã gặp những lớp mầm non hẻo lánh chỉ độ 10 - 15 học sinh nhưng vẫn có những giáo viên bám trụ cả chục năm trời, hết thế hệ này đến thế hệ khác.

Học hết bậc tiểu học tại điểm trường Nậm Ngà, Pờ Pó Cà chuyển ra học cấp 2 tại Trường THCS Tà Tổng. Con đường từ bản ra Tà Tổng ngày nay đi xe máy chưa đầy hai tiếng nhưng ngày thầy đi học vẫn còn phải đi bộ mất hơn một ngày. Thức dậy khi trời chưa sáng, đến trung tâm xã thì đã tối mịt. Niềm vui lớn nhất của Cà ngày đó là những hôm trở lại trường trúng buổi chợ, có ngựa thồ của dân từ bản ra, cậu học trò lớp 7 gửi nhờ túi đồ đựng 15 kg gạo và một ít rau cải. Làm sao có thể hình dung một cậu bé chỉ 13 tuổi cõng trên lưng 15 kg gạo để băng qua gần 40 km đường rừng ra trường học?

Trở lại chuyện học hành của Pờ Pó Cà, khi học xong cấp 2 ở trung tâm Tà Tổng năm 2005, con đường đến trường của Cà nối dài thêm 40 km nữa để ra tận huyện lỵ - thị trấn Mường Tè để học tiếp cấp 3 tại Trường THPT Mường Tè. Vẫn đi bộ thêm 20 km nữa ra tận cầu Nậm Khao bắc qua sông Đà, nếu may mắn gặp xe ô tô thì xin đi nhờ về huyện, nếu không cứ thế đi bộ. Đường về nhà của Cà bây giờ đã hơn 80 km. Ba năm cấp 3 trôi qua, tốt nghiệp THPT nhìn bạn bè cùng trang lứa nô nức làm hồ sơ đi thi chuyên nghiệp, Pờ Pó Cà lại ngậm ngùi tạm gác ước mơ thi vào đại học của mình. Gia đình quá khó khăn, không thể lo cho Cà đi học được. Ở nhà giúp gia đình làm nương, rảnh rỗi Cà lại mang sách vở ra ôn lại với hi vọng sẽ có ngày mình được tiếp tục thực hiện ước mơ đó.

Năm 2012 Cà làm hồ sơ và quyết định thi vào khoa Sư phạm Hóa học Trường Đại học Tây Bắc tại Sơn La. Cà đã thi đỗ. Cả bản Nậm Ngà vui sướng. Nậm Ngà đã có người đi học đại học. Cậu sinh viên Cà lại khăn gói về Sơn La nhập học. Tháng 10/2017, hồ sơ của Cà được duyệt và “ưu tiên” khi được về dạy ngay Trường THCS Nậm Ngà quê mình. Với giáo viên, được dạy ngay trên quê mình là điều nhiều người mơ ước, nhưng ở Nậm Ngà này, chỉ thầy Cà có được hạnh phúc đó. Đến khi nào thì có thể có được 100% hoặc một tỷ lệ tương tự thế về đội ngũ giáo viên vùng cao? Một khi trường học được dạy bởi những thầy cô người bản địa thì khái niệm “cắm bản” sẽ đơn giản hơn. Nhưng điều đó sẽ là bao giờ khi mà cả mấy chục năm rồi, nay mới có một cử nhân sư phạm Hóa như thầy Pờ Pó Cà đang đứng lớp?

Lê Đức Dục


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.