Multimedia Đọc Báo in

An toàn trường học: Vấn đề chưa bao giờ cũ

08:29, 26/12/2022

Khi nói về an toàn trường học, chúng ta cần bàn tới các yếu tố trong và ngoài nhà trường, tác động trực tiếp đến học sinh.

Đó là những vấn đề về an ninh trường học, an toàn thực phẩm, an toàn về cơ sở vật chất và những vấn đề xảy ra từ mối quan hệ giữa học sinh như bạo lực học đường, mâu thuẫn cá nhân. Ngoài ra, những hành vi bạo lực trên mạng xã hội, các hành vi vi phạm Luật An ninh mạng cũng đang tác động không nhỏ đến kỹ năng và hành vi ứng xử của học sinh hiện nay.

Ảnh minh họa: Gia Nguyên
Ảnh minh họa: Gia Nguyên

Từ góc độ này cho thấy học sinh hằng ngày vẫn đang đối diện với nhiều nguy cơ mất an toàn. Mặc dù các trường đều đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông nhưng tình trạng học sinh vi phạm pháp luật giao thông vẫn phổ biến như dàn hàng ngang, lạng lách, đánh võng, điều khiển xe không đúng độ tuổi quy định, không đội mũ bảo hiểm…, điều đó đã trở thành nguyên nhân chính làm nên sự mất an toàn đối với học sinh trên đường đến trường.

Thời gian gần đây, ở một số trường học đã xảy ra tình trạng học sinh bị ngã, rơi từ tầng cao xuống đất dẫn đến tử vong hoặc thương tích nặng. Điều đó nói lên rằng, ngay trong chính không gian trường học đã và đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Dù hành lang các dãy nhà học hầu hết đều có thiết kế lan can, rào chắn, song khi đến trường, ngoài giờ học, các em vui chơi, đứng trò chuyện và đùa nghịch ngoài hành lang dẫn đến sơ ý rơi từ tầng cao xuống. Đáng lo ngại là hiện nay, bạo lực học đường bắt nguồn gián tiếp từ không gian mạng một cách tinh vi và kín đáo hơn. Việc cãi vã, lời qua tiếng lại trong thế giới “ảo” đã dẫn đến ẩu đả đánh nhau ngoài đời thực. Các vụ đánh hội đồng cả nam lẫn nữ rồi quay video clip để đưa lên mạng xã hội xảy ra không phải hiếm. Ngoài ra, trên không gian mạng xã hội hiện nay còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác khiến những học sinh thiếu kỹ năng sẽ dễ dàng bị vướng phải như cờ bạc, lô đề qua mạng, vay lãi, quan hệ yêu đương với bạn mới quen trên mạng…

Gần đây, một vấn đề khá nhức nhối cần sự vào cuộc không chỉ nhà trường, gia đình mà cả các cơ quan chức năng, đó là hiện tượng học sinh hút thuốc lá điện tử có chứa chất gây ảo giác, dẫn đến bị sốc, ngất và nguy hiểm đến tính mạng. Việc rao bán, tác động đến học sinh của thuốc lá điện tử khá tinh vi, qua nhiều kênh, nhiều con đường khác nhau. Đối tượng thâm nhập khu vực quanh cổng trường, quán xá và khu vực sân vận động, nơi học sinh thường hay qua lại để mời hút thử và bán nếu thích. Các em cả nam và nữ vốn hiếu kỳ, muốn thử cảm giác lạ, dễ xiêu lòng với những lời mời chào ngon ngọt của người bán nên sẵn sàng thử mà không hề cảnh giác về nguy cơ tiềm ẩn trong đó. Ở lứa tuổi nhỏ hơn, có học sinh được người lạ cho đồ ăn hoặc đồ uống mà không hề biết trong đó có chứa chất ngây nghiện, gây ảo giác nên đã rơi vào tình trạng sốc nặng, phải cấp cứu tại bệnh viện.

Năm 2018, Bộ GD-ĐT triển khai dự án xây dựng mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”, qua đó cụ thể hóa các tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá và công nhận trường học đạt chuẩn về “An toàn, thân thiện và bình đẳng”. Thiết nghĩ, trước thực trạng các nguy cơ mất an toàn đối với học sinh, các trường cần tăng cường rà soát các tiêu chuẩn, tiêu chí trường học an toàn để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, bổ sung các hạng mục, các nội dung để đảm bảo sự an toàn đối với học sinh khi đến trường. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh hằng tuần để các em nâng cao hiểu biết về các quy định của pháp luật trên nhiều lĩnh vực như an ninh mạng, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm… Đồng thời, tăng cường các hoạt động ngoại khóa gắn với môn học trải nghiệm, hướng nghiệp để mỗi học sinh được giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng phó với tai nạn, rủi ro, với thiên tai, bệnh dịch và các đối tượng xấu ngoài xã hội.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.