Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6: Gặp khó về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học

08:13, 29/12/2022

Sau hơn một năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở cấp THCS, ngành giáo dục đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác tổ chức thực hiện, đánh giá hoạt động dạy và học trên toàn tỉnh.

Những kết quả đáng ghi nhận

Năm học 2021 - 2022 Đắk Lắk đồng loạt triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 6 theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Thời điểm đó, toàn tỉnh có 239 trường THCS (bao gồm trường phổ thông nhiều cấp học) với 3.633 lớp, 13.326 học sinh; trong đó, khối 6 là 817 lớp với 29.422 học sinh. Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1772/QĐ-UBND ngày 9/7/2019 về Kế hoạch thực hiện chương trình, sách giáo khoa GDPT mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025; tham mưu UBND tỉnh thành lập các hội đồng lựa chọn sách giáo khoa...

Đồng thời, tổ chức phổ biến, quán triệt việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 đến các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh... Nhờ đó, ngành đã triển khai đồng bộ các hoạt động dạy và học, bảo đảm tiến độ theo khung kế hoạch Bộ GD-ĐT đề ra.

Việc đánh giá học sinh được thực hiện theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 Quy định về đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT. Kết quả, cuối năm học có 99,5% học sinh lớp 6 trên toàn tỉnh xếp loại rèn luyện từ đạt trở lên; 92,4% học sinh có học lực xếp loại đạt trở lên, trong đó tỷ lệ học sinh đạt loại khá trở lên là 41,7%. Điều đó cho thấy các em học sinh lớp 6 học Chương trình GDPT 2018 đã phát triển được các phẩm chất và năng lực cốt lõi cần có.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Krông Pắc làm bài tập nhóm tại lớp.

Ngành giáo dục cũng ghi nhận sự chuyển biến tích cực trong công tác giảng dạy, quản lý của cán bộ, giáo viên cũng như cách thức tiếp nhận, vận dụng kiến thức của học sinh khối 6.

TS. Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, kết quả học tập có sự khác biệt so với chương trình hiện hành, học sinh linh hoạt, chủ động vận dụng kiến thức gắn với thực tiễn nhiều hơn.

Chính sách giáo khoa, nội dung, phương pháp tổ chức dạy và học thay đổi đã giúp học sinh phát triển năng lực chung (tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo) và năng lực riêng (ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, thẩm mỹ…) thông qua nội dung bài học và thực hiện bài tập nhóm. Qua đó, học sinh đã tự tin hơn trong giao tiếp, tự giác trong học tập...

Cần sự đầu tư tương xứng

 

Chương trình GDPT 2018 thực hiện đồng loạt trên cả nước từ năm học 2020 - 2021 (lớp 1); năm học 2021 - 2022 (lớp 2, lớp 6); năm học 2022 - 2023 (lớp 3, lớp 7, lớp 10); năm học 2023 - 2024 (lớp 4, lớp 8, lớp 11); năm học 2024 - 2025 (lớp 5, lớp 9, lớp 12).

Bên cạnh những mặt tích cực thì quá trình thực hiện Chương trình GDPT 2018 cũng có những bất cập gây không ít khó khăn cho giáo viên và học sinh.

Cụ thể, chương trình được triển khai trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên việc vận chuyển sách giáo khoa, mua sắm đồ dùng, thiết bị học tập của một số học sinh trên địa bàn tỉnh rất khó khăn. Cùng với đó, hầu hết các cơ sở giáo dục phải thường xuyên thay đổi hình thức tổ chức dạy và học giữa trực tuyến với trực tiếp; nhiều học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiếp thu kiến thức chương trình...

Chưa hết, chương trình mới phải có sự đầu tư thiết bị dạy học tương ứng theo quy định: mỗi môn có hệ thống thiết bị dạy và học riêng; khối môn Khoa học tự nhiên phải có dụng cụ, hóa chất thí nghiệm, áo choàng... và bố trí phòng học để giáo viên và học sinh thực hành.

Tuy nhiên, do nguồn vốn còn hạn chế nên nhiều địa phương trong tỉnh chưa bố trí kinh phí mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ đổi mới Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình. Theo thống kê của ngành giáo dục, hiện tại số lượng thiết bị dạy và học mới chỉ đáp ứng 50% yêu cầu tối thiểu Bộ GD-ĐT quy định...

Cô Nguyễn Thị Ái Xuân, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Ea Phê (huyện Krông Pắc) trao đổi với học sinh về cách thức làm bài tập nhóm.

Là năm đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở bậc THCS nên hầu hết các giáo viên phải vừa dạy học, vừa bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Cô Nguyễn Thị Ái Xuân, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Ea Phê (huyện Krông Pắc) cho hay, đối với môn Ngữ văn, bộ sách đã tích hợp nhiều chủ đề như dạy học sinh yêu thiên nhiên hơn, giải quyết các tình huống trong cuộc sống… Tuy nhiên, đây là năm đầu triển khai chương trình nên giai đoạn đầu cô gặp khá nhiều khó khăn; phải vừa dạy, vừa học hỏi rất vất vả mới có thể đáp ứng được yêu cầu của chương trình học.

TS. Đỗ Tường Hiệp cho biết, hiện nay, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở các trường THCS chưa thể đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học. Do đó, rất mong các địa phương phối hợp, chỉ đạo việc đầu tư cơ sở vật chất để bảo đảm tốt nhất cho việc dạy và học của nhà trường.

Trên phương diện quản lý, ngành sẽ tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; tích cực tham mưu và xây dựng kế hoạch sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ hiện có; tuyển dụng, bổ nhiệm và thực hiện tinh giản biên chế phù hợp với đặc thù của ngành giáo dục và địa phương để đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ thực hiện chương trình đổi mới.

Đồng thời, tổ chức đánh giá thực trạng cơ sở giáo dục, trang thiết bị dạy học hiện có để xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, phòng chức năng, thư viện, các phòng chuyên môn...

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.