Multimedia Đọc Báo in

Đổi mới tư duy giáo dục qua hoạt động khởi nghiệp

06:55, 24/04/2023

Xuất phát từ thực tế cùng sự trợ giúp của nhà trường, giáo viên, các em học sinh đã có những dự án, sản phẩm nghiên cứu khoa học sáng tạo, đoạt giải cao tại các cuộc thi về khởi nghiệp, khoa học kỹ thuật các cấp.

Sáng tạo từ thực tế

Với mong muốn đưa ra thị trường sản phẩm đất nặn an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng, nhóm học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn đã thực hiện Dự án “Sản xuất bột đất nặn sinh học từ vỏ trái thanh long”. Em Dương Nguyễn Anh Thư, lớp 12A1, thành viên của nhóm chia sẻ, trẻ nhỏ có sở thích khám phá đồ vật với sự tương tác cụ thể để phát triển các giác quan; trong khi đó, sản phẩm đất nặn đầy màu sắc trên thị trường rất bắt mắt nhưng lại nguy hiểm nếu trẻ nuốt vào. Do đó, nhóm đã lựa chọn vỏ trái thanh long được cắt nhỏ, sấy khô, xay thành bột mịn (làm màu); trộn bột vỏ thanh long, nước sạch với bột nếp ở tỷ lệ nhất định để tạo khối sản phẩm đất nặn an toàn (trẻ ăn phải cũng không nguy hại đến sức khỏe) với hạn sử dụng 12 tháng; được cơ quan chức năng kiểm định đạt chuẩn an toàn.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn kiểm tra chất lượng đất nặn sinh học tại phòng thí nghiệm của trường.

Cô Vũ Thị Mừng, giáo viên hướng dẫn dự án chia sẻ, từ năm học 2021 - 2022, học sinh của trường đã tận dụng vỏ trái thanh long để sản xuất ra ống hút, ly, cốc an toàn cho người sử dụng và đoạt giải cao tại cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Với nguồn cảm hứng sáng tạo từ vỏ trái thanh long, các em đã tiếp cận và nghiên cứu nên bột đất nặn sinh học hữu ích cho học sinh trong khoảng thời gian hơn 4 tháng. Dự án đoạt giải Nhất tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V (Ngày hội) vừa diễn ra cuối tháng 3 vừa qua chính là phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực của cả thầy và trò nhà trường.

 

“Phong trào khởi nghiệp cũng như sáng tạo khoa học kỹ thuật tại các cơ sở giáo dục là một trong những hình thức của hoạt động giáo dục STEM. Các dự án là sản phẩm thực tế của sự kết nối kiến thức, kinh nghiệm thực hiện theo hướng tích hợp liên môn gắn với nhu cầu tại địa phương, từ đó thay đổi cách tiếp cận giáo dục, hướng đến việc dạy học đi đôi với thực hành" - T.S Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT.

Tương tự, sự sáng tạo đã đem đến giải Nhì tại Ngày hội cho Dự án “Thiết kế, chế tạo máy hút ruột chanh dây nhằm tự động hóa quá trình sản xuất và tăng năng suất lao động” của nhóm học sinh Trường THCS và THPT Đông Du. Em Vi Thị Thu Hà, lớp 12A1, trưởng nhóm cho biết, dự án được thực hiện dựa trên sứ mệnh phụng sự nông nghiệp Việt nên sản phẩm hướng đến mục tiêu phục vụ cho nông dân và doanh nghiệp tại địa phương. Khi dự án được thực hiện, nó sẽ cung cấp phương pháp tách ruột chanh dây mới hơn, tiện lợi hơn, thay thế phương pháp tách thủ công có năng suất thấp, chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Điều đặc biệt là dự án này được cải tiến từ sản phẩm của Dự án “Thiết kế, chế tạo máy hút dịch chanh dây bán tự động” đã đoạt giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học 2022; được tham gia Hội thi khoa học kỹ thuật Quốc tế năm 2022 (ISEF 2022). Theo đó, sản phẩm năm nay được cải tiến tốt hơn đáp ứng nhu cầu sản xuất đại trà của doanh nghiệp: có thể hút hết ruột chanh dây thông qua cơ chế cắt và khuấy nên máy có thiết kế nhỏ hơn; sản phẩm sử dụng mâm quay có thể chế biến 6 quả chanh dây cùng một lúc, tăng năng suất gấp 3 lần so với sản phẩm năm 2022.

Tạo môi trường học tập đa dạng

Việc thực hiện các phong trào khởi nghiệp, sáng tạo khoa học kỹ thuật trong trường học đã đa dạng hoá môi trường học tập cho học sinh theo hướng tích hợp liên môn, học để phục vụ cuộc sống. Ở đó, nhà trường, thầy cô đã thực hiện có hiệu quả vai trò khơi gợi sự sáng tạo của học sinh, truyền cảm hứng để học sinh xác định rõ mục đích của việc học tập và có tinh thần học tập nghiêm túc theo hướng phát huy năng lực bản thân.

Học sinh kiểm tra chất lượng vỏ thanh long sau khi sấy.

Em Vi Thị Thu Hà chia sẻ: "Quá trình thực hiện dự án đã giúp em có những trải nghiệm về nghề thông qua việc lập trình trên máy tính; xử lý các bo mạch để vận hành máy trong dự án… Qua đó, em tìm được ước mơ nghề nghiệp sau này là theo đuổi ngành Công nghệ thông tin hoặc Cơ điện tử".

Em Chu Văn Long Vũ, học sinh lớp 12A3, Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết, sản phẩm đất nặn là tích hợp kiến thức nhiều môn học (Hoá học, Sinh học, Vật lí, Mỹ thuật, Toán học…), chỉ cần một sự thay đổi nhỏ trong mỗi loại nguyên liệu sẽ khiến sản phẩm thay đổi chất lượng. Do đó nhóm phải thực hiện nhiều lần mới tạo được sản phẩm đất nặn có màu sắc đẹp, đủ độ dẻo, mùi đặc trưng. Trong quá trình thực hiện dự án, các thành viên luôn cố gắng hoàn thiện bài tập tại lớp để dành thời gian rảnh buổi tối, cuối tuần cùng nhau nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của trường, qua đó giúp nhóm thêm gắn bó và yêu thích những môn học được ứng dụng thực tế.

Cô Nguyễn Thị Xuân Hương, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn đánh giá: Các em học sinh đã nỗ lực rất lớn cho thành công của dự án và đây sẽ là động lực để trường thay đổi và sáng tạo trong hoạt động dạy và học tương lai. Thời gian tới, nhà trường sẽ làm thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm; kêu gọi đầu tư để đưa sản phẩm này ra thị trường.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.