Căng thẳng "cuộc đua"... vào lớp 10
Những ngày qua, việc tuyển sinh lớp 10 vào các trường THPT trên địa bàn thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội khi có hàng nghìn học sinh không trúng tuyển. Câu hỏi đặt ra là số học sinh này sẽ đi về đâu khi năm học mới 2023 – 2024 đang cận kề, mà việc “trượt” lớp 10 nằm ngoài dự tính của chính học sinh và phụ huynh.
Loay hoay tìm đường vào... lớp 10
Ông Phạm Văn Phong (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) có con trượt trong đợt xét tuyển lớp 10 vừa qua lo lắng: “Cháu mới 15 tuổi, học lực mức bình thường nên gia đình định hướng học xong THPT sẽ đi học nghề. Tuy nhiên, năm nay Trường THPT Lê Quý Đôn có điểm trúng tuyển cao hơn những năm trước, cháu không trúng tuyển nên giờ vẫn đang loay hoay tìm chỗ học”.
Tương tự, chị Lê Thị Phương (phường Ea Tam) cho hay, theo phân tuyến địa bàn, con trai chị nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào lớp 10 tại Trường THPT Buôn Ma Thuột, nhưng không có tên trong danh sách 630 học sinh trúng tuyển. Hai tuần qua, chị chạy đôn chạy đáo tìm trường cho con mà chưa được...
Tiết học chính khóa của học sinh Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) |
Công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT là một trong những nhiệm vụ chuyên môn quan trọng của ngành GD-ĐT nhằm tuyển học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT cũng như làm công tác phân luồng sau THCS. Trước đây, tỉnh Đắk Lắk đã từng tổ chức thi tuyển vào lớp 10 nhưng những năm gần đây việc thi tuyển chỉ áp dụng đối với các trường chuyên biệt trên địa bàn là: Trường THPT Chuyên Nguyễn Du, Trường THPT Dân tộc nội trú Đam San, Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng. Các trường công lập còn lại tuyển sinh theo địa chỉ thường trú của học sinh căn cứ vào phân tuyến của UBND các huyện/thị xã/thành phố trên địa bàn để bảo đảm quyền được học và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập ở trường gần nhà.
Tuy nhiên, việc phân tuyến cũng bộc lộ những mặt hạn chế khi số lượng học sinh tăng lên so với năm học trước; trong khi đó số lượng giáo viên tiếp tục giảm do thực hiện lộ trình tinh giản biên chế theo quy định dẫn đến nhiều học sinh không trúng tuyển THPT như mong muốn.
TS. Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, từ năm 2016 đến 2021 các đơn vị trực thuộc Sở đã giảm 510 biên chế; giai đoạn 2022 - 2026 phải tiếp tục giảm 400 biên chế theo tinh thần tinh giản biên chế chung. Cùng với đó, việc xã hội hóa giáo dục gặp nhiều khó khăn do đặc thù về địa bàn vùng núi dẫn đến tình trạng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS thiếu chỗ để học tiếp lên bậc THPT.
Giải pháp học nghề kết hợp học văn hóa
Toàn tỉnh hiện có 75 cơ sở giáo dục dạy học bậc THPT gồm 55 trường THPT công lập và chuyên biệt, 4 trường THPT tư thục, 16 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). Ngoài ra, trên địa bàn còn có hệ thống trường trung cấp, cao đẳng có liên kết với các trung tâm GDNN-GDTX dạy học bậc THPT theo diện vừa học nghề, vừa học văn hóa; học sinh sẽ tốt nghiệp nghề và tốt nghiệp THPT cùng lúc.
Một tiết học chính khóa của học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, TP. Buôn Ma Thuột. |
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, trong tổng số 29.702 học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2022 – 2023 trên toàn tỉnh, có 23.177 học sinh trúng tuyển vào lớp 10 THPT (cả công lập và tư thục) năm học 2023 – 2024, chiếm tỷ lệ khoảng 78%, bảo đảm chỉ tiêu, kế hoạch UBND tỉnh giao cũng như yêu cầu của tỉnh về kế hoạch thực hiện Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025.
Còn 6.525 học sinh chưa trúng tuyển vào lớp 10 THPT có thể theo học hệ GDTX tại các Trung tâm GDNN-GDTX, trường trung cấp, cao đẳng nghề. Tuy nhiên, các cơ sở này chỉ tiếp nhận được 4.077 học sinh, như vậy hiện còn 2.448 học sinh chưa có chỗ để học.
Để giải quyết bài toán này, ngày 7/8/2023, Sở GD-ĐT đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo việc mở thêm lớp 10 hệ GDTX năm học 2023 – 2024.
Theo Sở GD-ĐT, hiện nay nhiều địa phương chưa có trường để học sinh có thể học nghề, học văn hóa; bản thân học sinh cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận các trường đào tạo nghề trên cả nước.
Trong khi đó, các trung tâm GDNN-GDTX tuy có cơ sở vật chất, phòng học nhưng đội ngũ giáo viên dạy văn hóa được giao biên chế còn hạn chế, kinh phí chi thường xuyên cấp chưa bảo đảm.
Để tạo điều kiện cho số học sinh nêu trên được vào học lớp 10 hệ GDTX tại các trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn, Sở GD-ĐT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, Sở Tài chính cân đối bố trí thêm kinh phí cho các trung tâm GDNN-GDTX mở thêm lớp và hợp đồng giáo viên THPT trên địa bàn để giảng dạy và chi trả theo tiết.
Như vậy, câu chuyện phân luồng học sinh đang nảy sinh những vấn đề mới cần có sự điều chỉnh theo nhu cầu thực tế.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc