Giúp trẻ chọn và học ngoại ngữ một cách khoa học
Đa số cha mẹ quan tâm việc học ngoại ngữ của con cái trong dịp hè, xem đây là thời điểm thuận lợi để trẻ trau dồi thêm một kỹ năng ngôn ngữ, có ích cho học tập và cuộc sống về sau.
Nhưng trẻ nên chọn ngoại ngữ nào, lại không nên dựa vào quan niệm của cha mẹ để áp đặt. Phải chọn đúng năng khiếu ngoại ngữ cho trẻ mới là giải pháp tốt, khoa học, giúp trẻ tiến bộ hơn.
Ông Hồ Quang Minh, một thầy giáo dạy kèm tiếng Anh đã nhiều năm tại Đà Nẵng chia sẻ, cha mẹ dựa vào những đánh giá khen chê, phân tích lợi hại về cơ hội phát huy ngoại ngữ trong đời sống hiện nay, để buộc con cái nên hay không nên theo học ngoại ngữ nào là sai lầm nghiêm trọng.
Đặc biệt với xu thế hội nhập văn hóa giao tiếp toàn cầu hiện nay, tiếng Anh được xem là sinh ngữ phổ biến, rất được các bậc cha mẹ đề cao, thậm chí bắt ép con cái phải học thật giỏi với lý lẽ “có ích về sau”. Việc này dẫn đến không ít bi kịch cho những đứa trẻ, nếu chúng thật sự không thích hợp hay không có năng khiếu với tiếng Anh.
Chung quan điểm này, anh Kinh Khoa, giảng viên lớp tiếng Nhật Sakura tại Huế cho rằng, những đứa trẻ nghe theo lời khuyên, hướng dẫn kiểu phân tích được hơn từ cha mẹ để theo học những ngoại ngữ không phù hợp năng khiếu vốn có, thường sẽ chậm tiến bộ, kết quả không thể cao được. Nhiều bậc phụ huynh còn rất sai lệch khi cứ cho rằng, con cái học ngoại ngữ chỉ cần chăm chỉ rèn luyện, học nhiều thì sẽ học tốt, càng khiến trẻ bị áp lực học hành đè nặng tâm lý.
Thay vào đó, những người đứng lớp ngoại ngữ như anh Khoa, ông Minh, đều khuyên các bậc cha mẹ hãy nên tìm cách phát hiện năng khiếu ngoại ngữ của con mình mà theo đó phát huy.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (huyện Krông Năng) học tiếng Anh tại thư viện trường. Ảnh: Thanh Hường |
Anh Khoa phân tích, nói là phát hiện thì thật ra không khó lắm, bởi ngôn ngữ nào cũng chủ yếu thể hiện qua hình thức chữ viết có nghĩa, hay phát âm có nghĩa. Những ngôn ngữ phát triển theo âm tiết, như tiếng Anh, tiếng Pháp, sẽ quy ước những âm đọc, từ vựng theo phát âm để hiển thị nội dung.
Những ngôn ngữ phát triển theo chữ viết, nổi bật là chữ Hán, như tiếng Nhật, Hàn… sẽ quy ước phát triển bằng chữ tượng hình. Một cách cơ bản, nếu trẻ có thiên hướng nhận dạng hình ảnh màu sắc, chữ viết tượng hình hơn, thì nên hướng trẻ theo học các ngôn ngữ tượng hình, và ngược lại, trẻ có kỹ năng nhận diện âm thanh tốt, thì mới nên học những ngôn ngữ phát âm.
Điều quan trọng theo các giáo viên ngoại ngữ, dù có học ngoại ngữ giỏi đến đâu, những đứa trẻ cũng không nên xem nhẹ tiếng mẹ đẻ. |
Thực tế theo một số giáo viên, khi chọn đúng ngôn ngữ phù hợp sở thích, năng khiếu, khả năng tiếp nhận ngoại ngữ của trẻ rất tốt, mức độ tiến bộ trong hấp thụ ngoại ngữ càng cao. Không ít trường hợp thực tiễn đã cho thấy, có nhiều trẻ ban đầu học tiếng Anh, tiếng Pháp, nhưng mãi không thông thuộc được, trong khi chuyển qua học tiếng Trung, tiếng Nhật, tốc độ nắm bắt lại rất nhanh.
Có một sai lầm mang tính định kiến ở nhiều bậc cha mẹ, là rất thích con cái biết ngoại ngữ, và khích lệ con cái tiếp xúc ngoại ngữ từ bé. Nhiều người mẹ thường tự hào để khoe con mình mới vài tuổi đã có thể biết tiếng Anh, phát âm tiếng Anh và lúc nào cũng cổ vũ, vận động con “biểu diễn” tiếng Anh với người quen.
Điều này nên được xem xét lại, bởi chưa hẳn đứa trẻ đã phù hợp với ngoại ngữ đó, tất cả chỉ là phản xạ tiếp thụ đơn thuần của trí óc trẻ thơ mà thôi. Thay vào đó, nếu các bậc cha mẹ chú ý rèn giũa phát âm, dùng từ của con cái với chính tiếng Việt, vấn đề sẽ tích cực hơn rất nhiều. Bởi cho dù có học giỏi ngoại ngữ đến đâu, mà tiếng Việt sử dụng hạn chế, không có đủ vốn từ, những đứa trẻ cũng không thể phát huy tốt giao tiếp hằng ngày trong cuộc sống.
Chọn và học ngoại ngữ của trẻ, vì thế, thật sự là cả một vấn đề khoa học, cần được các bậc cha mẹ chú ý và có cách lựa chọn, ứng xử phù hợp. Tốt nhất, cha mẹ nên theo dõi con cái, để phát hiện sớm năng khiếu, hướng tiếp thụ thông tin và óc sáng tạo của trẻ, sẽ giúp con cái chọn đúng được năng khiếu ngoại ngữ phù hợp nhất. Lồng ghép vào đó, thay vì chỉ chăm chú buộc con theo học ngoại ngữ, cha mẹ cũng nên lưu tâm, hỗ trợ con cái nên tìm hiểu, học tốt tiếng Việt, cũng là một cách rất tốt để trẻ tự nâng cao kỹ năng ngoại ngữ của mình, “phiên dịch” ngược xuôi được cả tiếng mẹ đẻ lẫn ngoại ngữ yêu thích.
Thụy Bất Nhi
Ý kiến bạn đọc