Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo tại các địa phương

20:23, 18/08/2023

Chiều 18/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2022 – 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 – 2024.

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Hồng Hà cùng đại diện các bộ, ban, ngành của Trung ương.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk

Tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà; đại diện các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

Năm học 2022 – 2023 là năm học đầu tiên ngành giáo dục triển khai tổ chức dạy học môn tiếng Anh, tin học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với lớp 3 và triển khai chương trình giáo dục phổ thông đối với cấp THPT; là năm đánh dấu 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29).

Vượt qua nhiều khó khăn, ngành giáo dục đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Năm học 2022 – 2023 cả nước có 25.467 cơ sở giáo dục phổ thông với 1.976.744 học sinh. Tỷ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi cấp Tiểu học đạt 99,7%; tỷ lệ huy động học sinh hoàn thành chương trình giáo dục Tiểu học vào THCS đạt 94,3%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình giáo dục THCS đạt 90,7%. 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học.

Công tác xóa mù chữ được quan tâm thực hiện với 76,19% đơn vị cấp tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (tăng 6,3% so với năm học trước); 93.62% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 97,67% đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Quy mô và mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên tại các địa phương được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân. Chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú dần được nâng lên.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Cùng với đó, Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giai đoạn 2018 - 2025” được triển khai với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT chiếm khoảng 74,4%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học giáo dục thường xuyên chiếm khoảng 7,9%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chiếm khoảng 7%...

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức thành công với hơn 1 triệu thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 98,86% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Đề thi có sự phân hóa đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh.

Công tác tuyển chọn, tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế tiếp tục đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và đoạt 11 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc, 12 Huy chương Đồng…

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai theo lộ trình từ sách giáo khoa đến tổ chức dạy học với một số nội dung được điều chỉnh phù hợp với thực tế nhưng vẫn giữ ổn định về quan điểm, mục tiêu, cấu trúc, lộ trình triển khai thực hiện…

Năm học 2022 – 2023 tỉnh Đắk Lắk đã triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình; chất lượng giáo dục mũi nhọn được khẳng định với nhiều kết quả nổi bật; công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong điều hành, quản lý, dạy học được triển khai đồng bộ... Toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi; đạt chuẩn mức 2 đối với phổ cập giáo dục Tiểu học, đạt chuẩn mức độ 1 đối với phổ cập giáo dục THCS, đạt chuẩn mức độ 1 về xóa mù chữ...

Chủ đề năm học 2023 - 2024 là “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Toàn ngành tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu năm học mới 2023 – 2024 ngành giáo dục cần tăng cường công tác thông tin về hoạt động đổi mới giáo dục; rà soát và xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi. Đồng thời, Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu chính sách, phụ cấp cho giáo viên mầm non, giáo viên ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn; rà soát lại hệ thống trường, lớp, cơ sở vật chất, đường truyền internet để bảo đảm các điều kiện dạy và học hiệu quả. Đặc biệt là các địa phương phải chú trọng công tác quản lý nhà nước về hoạt động giáo dục và đào tạo trên địa bàn để thúc đẩy giáo dục phát triển theo hướng có chiều sâu, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đề ra.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đượm nghĩa tri ân
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.