Multimedia Đọc Báo in

Tìm đường hướng nghiệp cho học sinh

07:59, 16/08/2023

Bằng những cách làm sáng tạo, linh hoạt, công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đã có những chuyển biến tích cực, giúp học sinh có lựa chọn đúng đắn về ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động của mỗi địa phương.

Đa dạng cách thức

Nhiều năm trở lại đây, Trường THCS Trần Phú (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) đã có cách làm hiệu quả trong hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Dựa vào kết quả học tập, làm bài khảo sát chất lượng học kỳ I và kỳ II, nhà trường đã tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn cho các bậc phụ huynh và học sinh có phương án lựa chọn hợp lý khi các em tốt nghiệp. Những em có học lực tốt, có nguyện vọng thì thi vào các trường THPT, một số em có thể chọn học tiếp ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện hoặc học nghề. Thầy Nguyễn Thế Thiên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường còn phối hợp với các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh tổ chức các buổi hướng nghiệp cho học sinh khối 9. Bản thân các thầy giáo của trường trực tiếp đi tham quan, tìm hiểu các trường, cơ sở dạy nghề để giúp học sinh, phụ huynh có cái nhìn thực tế, thêm tin tưởng vào sự lựa chọn của mình”. Năm học 2023 – 2024, khối lớp 9 có 192 học sinh, 35 em đã đăng ký học nghề.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Hoàn, Hiệu trưởng Trường THCS Băng Adrênh (xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana) hỗ trợ học sinh tìm hiểu các loại sách về ngành nghề

Trường THCS Băng Adrênh (huyện Krông Ana) căn cứ vào tình hình thực tế tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho các em bằng nhiều hình thức như: lồng ghép thông qua các môn học trên lớp, các tiết sinh hoạt lớp; căn cứ vào khảo sát học sinh qua các đề thi thử tại trường và thành tích học tập của các em để tư vấn, phân luồng…

Năm học vừa qua, trường có 58 học sinh khối lớp 9, trong đó có 47 em tiếp tục học THPT, còn lại là vào trường nghề và học nghề tại địa phương. Cô Nguyễn Thị Mỹ Hoàn, Hiệu trưởng nhà trường thông tin: “Những năm tiếp theo trường sẽ có những hình thức đa dạng hơn trong việc hướng nghiệp và phân luồng học sinh. Cụ thể như: ngoài giảng dạy dựa theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì sẽ cho học sinh nghiên cứu về ngành nghề mà các em thích; giới thiệu cho học sinh về các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau kèm mô tả những yêu cầu, cơ hội và thách thức của từng lĩnh vực; tổ chức buổi tư vấn cá nhân, mời những người giỏi trong các lĩnh vực, ngành nghề địa phương đến nói chuyện và cho các em tham gia trải nghiệm các ngành nghề đó… Đặc biệt, khuyến khích phụ huynh tham gia các buổi gặp gỡ để cùng chia sẻ thông tin về hướng nghiệp và hướng dẫn để họ hỗ trợ con em mình trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp.

Ông Hà Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP. Buôn Ma Thuột cho hay, thời gian qua, Trung tâm đã tích cực phối hợp với các trường THCS trên địa bàn làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp cũng như tuyển sinh. Đồng thời, hiện nay các trường dạy nghề bổ sung các ngành học mới, được nhiều người yêu thích và xã hội cần như nấu ăn, sửa chữa ô tô, điện lạnh, công nghệ thông tin, thiết kế thời trang… Bởi vậy, số học sinh đăng ký vào học văn hóa kết hợp với học nghề tại trường tăng lên theo các năm. Năm học 2023 - 2024, Trung tâm đã tuyển được 130 học sinh lớp 10, đạt 100% kế hoạch tuyển sinh.

Học sinh và phụ huynh Trường THCS Trần Phú (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) tham dự chương trình tư vấn hướng nghiệp sau tốt nghiệp THCS.

Lựa chọn môi trường học phù hợp

Việc đẩy mạnh công tác hướng nghiệp giúp nhiều học sinh lựa chọn được môi trường học phù hợp với bản thân và gia đình. Mùa tuyển sinh năm học 2020 – 2021, em Lang Thị Bích Hiệp (dân tộc Thái) ở xã Ia R’vê, huyện Ea Súp đã trúng tuyển vào một trường THPT công lập trên địa bàn nhưng em không theo học mà rẽ hướng sang học tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện. Theo Hiệp, qua sự tư vấn của giáo viên và tìm hiểu thực tế từ các anh chị khóa trước thì Trung tâm GDNN – GDTX huyện Ea Súp hội tụ các điều kiện phù hợp với nhu cầu, hoàn cảnh gia đình. Cụ thể là Trung tâm có ký túc xá cho học sinh ở xa (nhà của Hiệp cách xa Trung tâm 50 km); học sinh được hỗ trợ thêm chi phí khi học văn hóa; nhận trợ cấp 1,49 triệu đồng/tháng... “Nguồn hỗ trợ quý giá nói trên đã giúp em tiếp tục con đường học tập của mình, suốt 3 năm học tại Trung tâm, em chuyên tâm học hành, năm học này em đã trúng tuyển ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, Trường Đại học Đông Á, Phân hiệu tại Đắk Lắk, hiện đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để tiếp tục con đường học tập của mình”, Bích Hiệp chia sẻ.

Tương tự, em Lê Thị Trà My (Trường THCS Trần Phú, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) vừa tốt nghiệp THCS năm học này đã chọn học nghề marketing. Em tâm sự rằng tự cảm thấy lực học của mình không phù hợp để học THPT nên quyết định chọn học nghề, một phần vì em yêu thích nghề này và được tư vấn kỹ trước khi chọn, cuối tháng 8 này em sẽ chính thức nhập học. Còn chị Lê Thị Nghĩa, phụ huynh em Nguyễn Thái Lê Dương (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) bày tỏ: “Ngay từ trong năm học, nhà trường (Trường THCS Ama Trang Lơng) đã tổ chức các buổi hướng nghiệp, giới thiệu các ngành nghề… Qua cân nhắc hoàn cảnh gia đình và sở thích của cháu, chúng tôi đăng ký cho con học ngành công nghệ ô tô sau khi tốt nghiệp THCS”.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.