Multimedia Đọc Báo in

Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp

12:28, 15/08/2023

Sáng 15/8, trong khuôn khổ chương trình Phiên họp thứ 25, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp. Phiên chất vấn được kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành trong cả nước.

Tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk có các đồng chí: Lê Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh; Huỳnh Thị Chiến Hòa, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các vị ĐBQH tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk.

Phát biểu khai mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là phiên chất vấn thứ tư được tổ chức tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Trên cơ sở tổng hợp các đề xuất của các đoàn ĐBQH cân nhắc các lĩnh vực đã và đang được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian qua và việc trả lời chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và yêu cầu của thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lựa chọn chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại phiên họp này.

Nhấn mạnh thời gian chất vấn chỉ trong một ngày, các nhóm vấn đề chất vấn có phạm vi rộng, nhiều vấn đề đang gây bức xúc trong dư luận xã hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề, tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng. Đồng thời đề nghị các Bộ trưởng nêu cao tinh thần trách nhiệm, trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, làm rõ những chất vấn ĐBQH nêu, đồng thời đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi, bảo đảm vừa khắc phục kịp thời, hiệu quả các yếu kém, hạn chế trước mắt, vừa tạo được chuyển biến thực chất, căn cơ và lâu dài đối với từng nội dung chất vấn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành lĩnh vực quản lý, đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của cử tri, Nhân dân cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Tại phiên làm việc buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Tư pháp.

Theo đó, các đại biểu tập trung chất vấn về việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Bên cạnh đó, các nội dung về thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp… cũng được các đại biểu thẳng thắn chất vấn và tranh luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên làm việc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực tư pháp. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời chất vấn đại biểu liên quan đến nguồn lực trong công tác xây dựng pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, hiện cả nước có khoảng 10.000 người làm công tác pháp chế, trong đó gần 7.000 người hoạt động kiêm nhiệm. Có 89 tổ chức pháp chế ở trung ương và địa phương là 65 phòng pháp chế. 

Liên quan đến kinh phí, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ và quyết tâm của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, năm 2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 42. Theo đó, quy định cụ thể về mức chi cho quá trình xây dựng luật, nghị định, thông tư… Nhìn chung, mức chi như vậy rất thấp, nhưng để có mức chi cải thiện theo Thông tư 42 là cả một quá trình. Quan điểm của Bộ trưởng là cố gắng thu xếp trong khuôn khổ Nhà nước hỗ trợ. 

Về lực lượng pháp chế, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, nếu so sánh với khối lượng công việc của các bộ, ngành hiện nay có thể thấy số lượng cán bộ làm việc trong lĩnh vực này rất mỏng, rất ít và khó đáp ứng được yêu cầu; một số bộ, ngành có tâm lý không ưu tiên cho lĩnh vực pháp chế. Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định 55 sửa đổi, trong đó điều quan trọng nhất là xây dựng chức danh “pháp chế viên” từ đó có cơ sở xây dựng chính sách cho đội ngũ này. 

Đại biểu tham dự tại điểm cầu chính.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu chính. Ảnh: quochoi.vn

Về kiểm tra văn bản, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, thẩm quyền kiểm tra văn bản đã tương đối rõ, trong đó thẩm quyền của Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan chủ quản – những chủ thể được quyền trình luật. Ngoài thẩm quyền chung, có thẩm quyền tự kiểm tra và rà soát. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Bộ Tư pháp không “automatic” kiểm tra tất cả các văn bản theo thẩm quyền mà các bộ, ngành tự kiểm tra, Bộ Tư pháp chỉ vào cuộc với thẩm quyền hoặc giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tư pháp chỉ vào cuộc khi có dấu hiệu vi phạm.

Về phân cấp, phân quyền, Bộ trưởng khẳng định, phân cấp nói chung đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp, tuy nhiên vấn đề khó là các quy định về phân cấp con quyền nằm rất nhiều ở các luật chuyên ngành. Vì vậy, trong quá trình phân cấp có những nơi phân cấp về thẩm quyền nhưng thủ tục không có, đây là điểm vướng. Nếu có văn bản riêng về phân cấp sẽ khó có thể sáng lọc những nội dung đã được quy định trong các văn bản hiện hành. Vì vậy, cố gắng thể chế hóa tốt hơn các quy định của Hiến pháp và trong quá trình sửa đổi các luật chuyên ngành phân cấp từng ngành, lĩnh vực cụ thể.

Trả lời câu hỏi đại biểu nêu lên về vấn đề sợ trách nhiệm, Bộ trưởng khẳng định có tình trạng này, nhưng để lượng hóa rất khó, có tình trạng đổ lỗi cho hệ thống pháp luật hoặc do tổ chức thực hiện. Bộ trưởng cho rằng, do không xem xét các vấn đề trên tổng thể mà đổ lỗi do pháp luật; một số nơi có xu hướng giải thích theo hướng “tiện cho mình” hoặc hiểu, áp dụng pháp luật chưa thống nhất, hành chính hóa.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu về việc tình trạng chậm và nợ văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc nợ chậm ban hành văn bản là vấn đề từ lâu chưa được giải quyết dứt điểm. Số văn bản nợ, chậm của từng năm có sự tăng giảm nhất định, tuy nhiên, năm 2021, số lượng văn bản nợ, chậm tăng.

Trong thời gian qua, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã tiến hành giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội cũng có báo cáo về vấn đề này, tuy nhiên số liệu chưa tương đồng. Vì vậy, cần rà soát, nghiên cứu để đảm bảo tương thích về các chi tiết, tuy nhiên, về tổng thể, có thể khẳng định tình trạng chậm, nợ văn bản là sự thật. Dù đã rất cố gắng, nhưng có những Nghị định nợ lâu, chưa xử lý được, ví dụ như Nghị định về tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể, xử lý cho Bộ luật Lao động; Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, an ninh mạng…

Phân tích nguyên nhân, Bộ trưởng cho biết, do có quá nhiều nội dung giao quy định chi tiết, hoặc một số Nghị quyết có hiệu lực ngắn, cần cấp tốc ban hành Nghị quyết thay thế… Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng chi biết Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp khắc phục vướng mắc, bất cập trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, trong đó có các quy định đảm bảo tính kỷ luật hành chính trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ trưởng cũng cho biết, Quy định 69 về xử lý, kỷ luật tổ chức Đảng đối với Đảng viên là công cụ rất mạnh, Bộ Chính trị cũng đang chỉ đạo trình quy định của Bộ Chính trị về một số giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng văn bản. Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, trong xây dựng pháp luật, cần quy định rõ nhiều vấn đề cụ thể trong luật, không nên dựa vào việc xây dựng văn bản giải thích, hướng dẫn.

Về vấn đề rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng cho biết, kể từ báo cáo số 442 đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước, đến nay Bộ đã trình thêm 10 báo cáo rà soát khác nhau, trong thời gian ngắn tới, các đơn vị sẽ trình Quốc hội báo cáo rà soát tới hơn 22 lĩnh vực. Điều này đặt ra một số vấn đề, bởi công việc rà soát cần có thời gian để thực hiện, khi rà soát cần có trao đổi để có phương án sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh, trách nhiệm rà soát thuộc các bộ, ngành, đơn vị cũng cần được nâng cao. 

Theo Bộ trưởng, một trong những công việc quan trọng cần thực hiện là cần rà soát lại những kiến nghị, để tránh trùng lặp, ngoài ra cần tập trung cao độ để chuẩn bị cho báo cáo sắp tới trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 6 sắp tới.

Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Báo cáo thêm về việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chia sẻ trong quá trình soạn thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có tranh luận gay gắt việc quy định trình dự án luật phải trình kèm theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành. Tuy nhiên, thực tế thực hiện rất khó khăn, nhiều ý kiến đề xuất xin thôi không thực hiện quy định này. 

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, mặc dù đây là quy định tốt nhưng không khả thi. Nếu những nội dung đã dự thảo được trong dự thảo nghị định thì đã quy định luôn trong luật. Mặt khác, nếu làm nghị định như vậy là bỏ qua các bước khác trong quy trình ban hành văn bản. Thực tế có một số các dự thảo luật trình kèm dự thảo nghị định nhưng so với bản ban hành thì nghị định thay đổi gần như toàn bộ.

Trả lời câu hỏi liên quan đến hoạt động của đấu giá viên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết trong 5 năm từ 2018 đến 2022, Bộ Tư pháp và các đơn vị khác nhau, thanh tra đã thực hiện tổng số là 143 cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đấu giá tài sản.

Bộ trưởng Lê Thành Long làm rõ trong pháp luật về đấu giá, quy định chặt chẽ hơn về quy trình, cách thức, quy chế để giảm bớt đi tình trạng thông đồng, dìm giá. Tăng cường các biện pháp để chuyên nghiệp hóa đấu giá viên đúng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực và các văn bản của Đảng. Hiện nay, khi đi vào hành nghề đối với nghề đặc thù như này cần phải được đào tạo và nắm được kỹ năng hành nghề…

Về định hướng sửa Luật Đấu giá, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết tuân theo nguyên tắc đấu giá là pháp luật về hình thức, liệt kê đầy đủ hơn các tài sản công cần phải bán đấu giá, cập nhật những thuật ngữ, siết chặt một số các quy định để giảm tình trạng thông đồng, dìm giá, trục lợi và đặc biệt làm thất thoát ngân sách nhà nước; có các biện pháp về tăng cường năng lực, chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm đấu giá với tư cách là một nghề tư pháp đặc thù và phát triển đến đấu giá trực tuyến…

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ; Viện KSND tối cao; Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Lan Anh


 


Ý kiến bạn đọc