Multimedia Đọc Báo in

Chuyện... "khó nói" của giáo viên chủ nhiệm

10:59, 02/10/2023

Sau buổi họp đầu năm học, hội các phụ huynh chúng tôi gặp nhau cảm thán: Khổ như... giáo viên chủ nhiệm lúc thông báo các khoản tiền cần phải thu! Là phụ huynh đi dự họp, phụ huynh chúng tôi thực sự cảm nhận được nỗi khổ “khó nói” của các thầy cô.

Cuộc họp phụ huynh đầu năm của lớp con tôi bắt đầu bằng những thông tin chung về kết quả học tập của trường, lớp năm học trước và sơ lược tình hình học tập của lớp trong hai tuần đầu. Nội dung này chỉ mất khoảng 10 phút và sau đó là đến phần tất cả mọi người đều hồi hộp: những khoản đóng góp của năm học mới.

Giáo viên chủ nhiệm đọc rất nhanh danh sách các khoản thu và số tiền cụ thể của mỗi khoản. Khi một phụ huynh yêu cầu cô ghi rõ các mục lên bảng để dễ theo dõi thì cô chỉ miễn cưỡng ghi 3 mục: tiền cô thu, nhà trường thu và tiền học tăng cường.

Nhìn con số cô ghi trên bảng thì phụ huynh hoàn toàn không thể biết được chính xác tất cả bao nhiêu loại tiền, mỗi loại thu bao nhiêu, chỉ có tiền học tăng cường 210.000 đồng/tháng x 8 tháng là cụ thể. Các khoản thu khác như: tiền nước uống, camera, photo, vệ sinh phòng học, quỹ đội, quỹ khuyến học, bảo hiểm… không hề được ghi chi tiết.

1
Buổi họp phụ huynh đầu năm học ở một số cơ sở giáo dục ngoài công lập, giáo viên chủ nhiệm không bị áp lực với các khoản thu tự nguyện. (Ảnh minh họa)

Dù vậy, vẫn có một vài phụ huynh nêu thắc mắc: "Tiền quỹ hội phụ huynh nhà trường chi tiêu cho những công việc gì? Đã có quỹ hội phụ huynh của lớp rồi thì cần phải có quỹ hội phụ huynh trường để làm gì?", "Tiền lắp camera 150.000 đồng/em, cả lớp có hơn 40 em thì có đắt quá không?", "Tại sao tiền tin nhắn lại tới 70.000 đồng/em trong khi các trường khác chỉ có 50.000 đồng/em?"...

Gần như giáo viên chủ nhiệm cố tình lơ đi các câu hỏi của phụ huynh hoặc trả lời chung chung, không rõ ràng.

Sau cuộc họp phụ huynh đầu năm, hội các bà mẹ có con học nhiều trường chúng tôi cùng ngồi lại chia sẻ thông tin với nhau và biết rằng, dù không có văn bản nhưng nếu lớp nào bị lộ hình ảnh về các khoản thu đầu năm của trường thì giáo viên chủ nhiệm sẽ bị nhắc nhở. Bởi vậy, nhiều giáo viên chủ nhiệm không ghi lên bảng cụ thể các khoản thu. Có lớp giáo viên chủ nhiệm cho phụ huynh xem một bảng kê cụ thể trên giấy A4 nhưng lại không cho phụ huynh chụp lại.

Hội chúng tôi có người vừa là phụ huynh vừa là giáo viên nên hiểu được những câu chuyện "khó nói" của giáo viên chủ nhiệm trong buổi họp đầu năm. Sau rất nhiều lùm xùm, ồn ào mỗi khi có một bảng liệt kê các khoản thu đầu năm của mỗi trường được tung lên mạng thì dường như việc này đã trở thành vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên, việc được biết cụ thể các khoản thu trong nhà trường, từ số tiền đóng bao nhiêu cho đến chi vào việc gì là yêu cầu chính đáng của tất cả các phụ huynh. Có những khoản thu như tiền tin nhắn, sổ liên lạc điện tử, tiền giữ xe lại khác nhau giữa các trường trong cùng một phường nên phụ huynh thắc mắc là lẽ đương nhiên.

Tại sao nhà trường không làm rõ vì sao lại thu như thế, thu vào sẽ chi ra thế nào? Giáo viên chủ nhiệm sẽ chẳng thể nào giải thích cụ thể, rõ ràng được nếu như nhà trường không có hướng dẫn. Việc bị công khai các khoản thu đầu năm lên mạng xã hội và bị bàn tán, phê phán đã biến thành nỗi sợ vô hình của không ít giáo viên chủ nhiệm lẫn nhà trường.

Quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh nên là quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ giáo dục học sinh, xây dựng trường học hạnh phúc chứ không nên có sự nghi ngờ, bất bình, thậm chí là “sợ” nhau. Nếu tất cả các khoản thu - chi trong nhà trường đều được công khai minh bạch, hợp lý thì có lẽ không có phụ huynh nào thắc mắc.

Bình An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.