Multimedia Đọc Báo in

Linh hoạt đánh giá tiêu chí học sinh chăm ngoan

08:30, 03/10/2023

Trong tiến trình đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, việc đánh giá học tập ở các trường phổ thông đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đổi mới, giáo dục không thể tách rời tiêu chí mang tính bền vững là học sinh chăm, ngoan. 

Nằm ở xã vùng 3 Ea Yiêng (huyện Krông Pắc), Trường Tiểu học Đinh Núp là một trong những trường học đặc thù của giáo dục vùng khó khi tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 96%.

Cuộc sống của người dân còn khó khăn, nhiều phụ huynh phải đi làm ăn xa, để con ở nhà với ông bà nên việc duy trì sĩ số học sinh là một trong những nội dung quan trọng, cũng là khó khăn của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm.

Những năm qua, trường thực hiện đồng bộ việc thay đổi cách thức quản lý, đánh giá học sinh theo chương trình mới, phù hợp với điều kiện thực tế; triển khai các giải pháp thu hút học sinh tới trường, như kêu gọi mạnh thường quân tặng sách, vở, quần áo, hàng tiêu dùng cho học sinh khó khăn; tổ chức cắt tóc, bấm móng tay cho học sinh để gần gũi với các em, tạo dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực…

Giáo viên Trường Tiểu học Đinh Núp (huyện Krông Pắc) cắt tóc cho học sinh tại trường.

Thầy Dương Văn Huấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Núp cho biết, những năm qua, việc duy trì sĩ số học sinh luôn là điều quan trọng nhất, giáo viên vừa dạy học, vừa đến từng nhà học sinh vắng học để tìm gặp và động viên các em chăm chỉ đến trường. “Năm học mới, nhà trường mong phụ huynh quan tâm con em mình nhiều hơn, động viên các em đi học đều đặn để thầy cô không phải dạy lại kiến thức sau thời gian vắng học. Trường cũng mong muốn phụ huynh có công ăn việc làm ổn định tại quê nhà để đồng hành cùng con trên hành trình tìm con chữ”, thầy Huấn bày tỏ.

Ở vùng có điều kiện thuận lợi về giáo dục hay bậc học lớn hơn cũng cần học sinh chăm ngoan để thực hiện hiệu quả mục tiêu giáo dục toàn diện; cụ thể là phát huy năng lực của học sinh, đặc biệt là học sinh THPT để các em có định hướng và tìm kiếm ngành nghề phù hợp sau khi tốt nghiệp THPT.

Theo thầy Phạm Văn Sinh, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột) thì lứa tuổi học sinh THPT là giai đoạn quan trọng trong việc phát triển trí tuệ; các em cần có thái độ tích cực đối với việc học, tự tin khi đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm về hành động, kết quả học tập của mình. Ngoài ra, học sinh cũng cần có khả năng quản lý thời gian và khát khao học hỏi; có mục tiêu học tập cụ thể, chủ động khám phá lĩnh vực mới, tìm kiếm thông tin, định hướng nghề nghiệp cho bản thân; cùng các bạn, giáo viên, nhà trường xây dựng môi trường học tập thân thiện…

Điển hình là Chương trình tiếp sức mùa thi hằng năm giúp học sinh khối 10, 11 phát triển năng lực giao tiếp, hợp tác; hoạt động hướng nghiệp giúp học sinh phát triển năng lực tính toán (tính toán điều kiện kinh tế gia đình và chi phí học đại học, học nghề sau tốt nghiệp THPT); chủ động lựa chọn các môn thi tốt nghiệp, khối học, ngành học và có lộ trình cụ thể để đạt kết quả học tập tốt nhất…

Thầy Phạm Văn Sinh, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột) trò chuyện với học sinh.

TS. Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay, việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được thực hiện theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh, và được cụ thể hóa bằng những yêu cầu cần đạt ở từng môn học, cấp học.

Phương pháp dạy học tích cực thông qua hoạt động học tập và chú trọng tổ chức hoạt động nhằm hình thành, phát triển năng lực tự học cho học sinh, học qua làm…

Việc đánh giá học sinh chăm ngoan linh hoạt hơn trước và dựa vào từng môn học, bậc học, cơ sở giáo dục, thậm chí đối với từng học sinh nhưng nhìn chung, học sinh chăm ngoan cần phải đi học chuyên cần, thực hiện đầy đủ các nội dung, hoạt động giáo dục ở từng môn học, bài học mà giáo viên đưa ra, chấp hành nội quy, quy định của trường, lớp để xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực…

Cùng với sự hướng dẫn phù hợp của giáo viên, học sinh chăm ngoan sẽ từng bước hình thành, phát triển năng lực cá nhân một cách toàn diện và có sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân.

Thanh Trúc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.