Huyện Ea H'leo: Hiệu quả chuyển đổi số trong giáo dục
Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, những năm gần đây, các trường học ở huyện Ea H’leo đã tích cực triển khai nhiều phương pháp giảng dạy, học tập và quản lý trên nền tảng số.
Không chỉ sử dụng những dụng cụ học tập truyền thống, các bài giảng tiếng Anh của học sinh khối 4, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (thị trấn Ea Drăng) còn được giáo viên truyền thụ bằng việc sử dụng phần mềm đồ họa trình chiếu trên màn hình ti vi. Điều này giúp học sinh dễ dàng hiểu bài và tạo sự hứng thú với nội dung học. Các trò chơi, video, hình ảnh, âm thanh sinh động không chỉ giúp học sinh nhớ từ vựng nhanh hơn mà còn chủ động tương tác với cô giáo, nâng cao hiệu quả học tập.
Thầy Nguyễn Trần Quân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng cho biết, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, Trường đã chủ động đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Ngoài một phòng tin học chung với 18 máy tính và 2 dàn máy chiếu, nhà trường còn đầu tư lắp đặt ti vi thông minh tại các phòng học khối 3, 4, 5 để sử dụng bài giảng điện tử; nâng cấp đường truyền wifi toàn trường, thuận tiện cho việc kết nối hoặc tìm kiếm thông tin. Hiện nay, tất cả học sinh, giáo viên trong trường đều có hồ sơ điện tử và mã định danh thống nhất; sử dụng học bạ, sổ sách điện tử thay thế hồ sơ giấy... Nhờ đó, công tác quản lý, dạy và học của nhà trường đạt nhiều kết quả: 100% cán bộ, giáo viên sử dụng thành thạo các phần mềm, giáo án điện tử phục vụ công tác quản lý và dạy học. Học sinh học tập với tinh thần hăng say, nhất là các tiết dạy có ứng dụng CNTT, phòng học tương tác.
Một tiết học có áp dụng công nghệ thông tin ở Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh do nhà trường cung cấp. |
Với Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (thị trấn Ea Drăng), từ năm 2019 đến nay, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy - học và quản trị của nhà trường đã đem lại hiệu quả tích cực. Hiện, trường đã trang bị ti vi màn hình 65 inch và đường truyền kết nối Internet tại 100% phòng học. Trong các tiết dạy, giáo viên đều sử dụng bài giảng điện tử. Việc quản lý hồ sơ giảng dạy, hồ sơ học sinh, điểm, bài thi, xét tốt nghiệp… đều thực hiện trên phần mềm smas.edu.vn.
Theo cô Nguyễn Thị Vy Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, việc áp dụng phần mềm trực tuyến SMAS đã giúp nhà trường tiết kiệm được thời gian làm công tác thống kê, báo cáo, chi phí mua sắm văn phòng phẩm. Ngoài ra, SMAS còn có chức năng nổi bật là nhắn tin tích hợp đến số điện thoại phụ huynh đã đăng ký để thông báo kết quả học tập của học sinh... Qua đó, giúp phụ huynh nắm bắt tình hình học tập của con em mình, phối hợp cùng thầy, cô giáo và nhà trường trong việc quản lý, giáo dục học sinh.
Năm học 2023 - 2024, ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) huyện Ea H’leo có 67 trường, 979 lớp với 29.931 học sinh. Đến nay, các trường học trên địa bàn huyện đã đồng loạt thực hiện việc chuyển đổi số với việc đổi mới mô hình dạy và học phù hợp với điều kiện của từng đơn vị. Thầy Nguyễn Đức Công, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Ea H’leo cho hay, những năm qua, Phòng đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh về sự cần thiết, tính cấp bách của việc ứng dụng CNTT trong dạy và học. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên nâng cao chất lượng ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số. Huy động các nguồn lực để xây dựng phòng tin học, đầu tư hệ thống máy tính, lắp thêm ti vi, máy chiếu, nâng cấp mạng Internet đáp ứng nhu cầu quản lý, dạy và học trên môi trường số.
Thầy Bùi Duy Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng kiểm tra công tác dạy và học của giáo viên thông qua phần mềm quản lý vnEdu. |
Nếu như trước đây, công tác quản lý trong GD-ĐT chủ yếu thông qua hồ sơ, sổ sách là chính, thì giờ đây đã được đơn giản hóa bằng CNTT. Tất cả các dữ liệu của ngành đều được cập nhật vào hệ thống phần mềm, giúp công tác quản lý thuận tiện hơn. Trong giảng dạy, trước đây giáo viên phải rất vất vả để có thể tìm kiếm những hình ảnh, biểu tượng, đồ dùng phục vụ bài giảng thì nay giáo viên có thể sử dụng mạng Internet để chủ động khai thác tài nguyên giáo dục phong phú cho bài giảng điện tử. Nhờ việc đẩy mạnh chuyển đổi số đã giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, lưu trữ, điều hành của các nhà trường; người dạy và học phát huy được khả năng tư duy sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc