Xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế: “Khe cửa hẹp” đối với học sinh vùng nông thôn, miền núi
Đến nay, đã có khá nhiều trường đại học công bố phương án tuyển sinh năm 2024.
Tất cả các trường đều sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, chủ yếu là các phương thức sau: Xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT); xét tuyển đặc cách theo quy định của nhà trường; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024; xét học bạ THPT; xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội/ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và bài thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức; xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu; xét kết hợp kết quả học tập cấp THPT với điểm thi năng khiếu.
Trong đó, một số trường còn dành riêng một phương thức để xét nhóm thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Với phương thức này, chỉ thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế mới đủ điều kiện tham gia xét tuyển.
Đáng chú ý là đối với môn tiếng Anh, nhiều trường đại học chấp nhận sử dụng chứng chỉ quốc tế như IELTS để quy đổi ra điểm hoặc quy đổi ra điểm ưu tiên. Mức điểm quy đổi của các trường không giống nhau và có chênh lệch khá lớn.
Giờ học ngoại ngữ với giáo viên nước ngoài của học sinh Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory. (Ảnh minh họa) |
Chẳng hạn, Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) quy đổi IELTS 4.5 thành 8,0 điểm, nhưng ở Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), IELTS đạt 6.0 mới quy đổi thành 8,0 điểm. Với mức điểm 5.5 IELTS, Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) quy đổi thành 7,5 điểm, Đại học Kinh tế quốc dân và Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh thành 8,0 điểm…
Một số trường đại học không quy đổi điểm IELTS, mà xem xét cộng điểm khi xét tuyển với mức điểm IELTS tương ứng. Mức điểm này dao động từ 0,25 - 3,0 tùy từng trường.
Xét tuyển theo phương thức nào, sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và quy đổi mức điểm thế nào là quyền chủ động trong tuyển sinh của các trường đại học. Hiện nay, mức điểm 4.5 IELTS được quy đổi tương đương trình độ B1 khung tham chiếu châu Âu, là chuẩn đầu ra tối thiểu của các trường đại học theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Do đó, việc các trường đại học áp dụng chứng chỉ ngoại ngữ này từ mức 4.5 trong xét tuyển đầu vào là tương đối phù hợp. Đặc biệt trong bối cảnh các trường phải tính toán về vấn đề tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn (do liên quan đến chuẩn cơ sở giáo dục đại học) thì việc ưu tiên tuyển sinh viên giỏi ngoại ngữ có lợi cho các trường trong đào tạo.
Tuy nhiên, phương thức xét tuyển này khá bất lợi cho thí sinh các khu vực nông thôn và miền núi.
Hiện nay, dù các hình thức học online đã giúp cho học sinh ở tất cả các vùng miền được tiếp cận tốt hơn với các loại hình học ngoại ngữ. Dù vậy, không thể phủ nhận một thực tế là tại các thành phố lớn, học sinh có điều kiện học ngoại ngữ sớm hơn, tốt hơn và dễ dàng tham gia các kỳ thi lấy chứng chỉ IELTS sẽ có lợi hơn so với học sinh ở những địa phương vùng sâu, vùng xa nơi có điều kiện kinh tế xã hội kém phát triển. Mặt khác, mức lệ phí thi IELTS còn cao (gần 5 triệu đồng) và địa điểm tổ chức thi không phủ sóng rộng khắp khiến cho kinh phí đi, ăn ở và thi cũng là một rào cản không nhỏ đối với học sinh nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Bình An
Ý kiến bạn đọc