Multimedia Đọc Báo in

Văn hóa dân tộc tỏa sáng nơi học đường

09:01, 28/05/2024

Những năm gần đây, một số trường học ở tỉnh Lâm Đồng đã đưa văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa Chu Ru, Mạ vào học đường bằng những hình thức trải nghiệm hết sức thú vị, sinh động và cuốn hút. Tình yêu của các em học sinh với văn hóa truyền thống đã được nhen nhóm từ đây…     

Tiếp bước thổi hồn cho đất

Năm học 2019 – 2020 là năm học đầu tiên Trường THPT P’Ró (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đưa chuyên đề “Dạy học lịch sử địa phương kết hợp giáo dục, bảo tồn nghề làm gốm của người Chu Ru ở làng Krăng Gọ, xã P’Ró” vào dạy cho học sinh khối 12. Ngôi trường đóng trên địa bàn xã P’Ró, nơi duy nhất ở Lâm Đồng có thôn Krăng Gọ còn lưu truyền nghề làm đồ gốm thủ công.

Học sinh được trải nghiệm thực tế qua tham quan các hộ gia đình, trực tiếp học quy trình làm gốm dưới sự hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân Touprong Kiea, Ma Ly... Từ biết đến hiểu, các em học cách nhận biết về nguyên liệu đất, từ việc lấy đất ở chân núi Dăm Gur khi trời mờ sáng rồi mang về phơi khô, dần thành bột, nhồi đất, rồi các công đoạn như tạo hình, miết, làm trơn, đánh bóng, khoét lòng, làm quai, trang trí hoa văn… Các em còn tìm hiểu cách để giữ chất đất kết cấu bền tốt, phơi khô sản phẩm và nung vào đống củi giữa bãi đất trống cho gốm chín đều chín đủ…

Nghệ nhân Mạ hướng dẫn học sinh đánh cồng chiêng.

Sản phẩm gốm Krăng Gọ là nồi, bình hoa, bình đựng nước, các vật dụng trang trí… được chế tác hoàn toàn thủ công, không có bàn xoay, “đất đứng yên, người xoay quanh”, “nặn bằng tay, xoay bằng mông” với hàng trăm vòng cho đến khi sản phẩm hoàn thành. Khi sản phẩm thành hình, các em học sinh vô cùng hạnh phúc trước những sản phẩm do mình tự chế  tác. Các em còn được tham quan những phòng trưng bày đồ gốm tại TP. Đà Lạt để sưu tập những mẫu mã mới, từ đó trân quý hơn lịch sử một nghề truyền thống đậm nét văn hóa ứng xử với môi trường của đồng bào Chu Ru…

Với trên 30% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, việc đưa nội dung lịch sử địa phương vào chương trình học của Trường THPT P’Ró đã giúp các em, đặc biệt là học sinh người Chu Ru hiểu rõ văn hóa truyền thống, hào hứng tiếp thu và chịu học, đặc biệt là môn lịch sử. Thầy Phạm Thanh Hoài, Tổ trưởng Tổ Sử - Địa - Công dân - Quốc phòng của trường chia sẻ: “Những tiết học đặc biệt như thế này sẽ giúp cho nhà trường thay đổi cách tiếp cận, đánh giá học sinh. Thay vì gọi học sinh lên bảng trả bài với những lý thuyết khô khan, giáo viên sẽ giao bài tập cho học sinh nghiên cứu, để vừa có tư liệu, vừa tạo hứng thú cho học sinh, đồng thời thay đổi cách dạy và học của cả thầy và trò”.

Thanh âm đại ngàn nơi học đường

Trường THCS&THPT Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm) đứng chân ở địa bàn mà đồng bào Mạ chiếm 80% dân số, đã chọn đề tài “Giải pháp bảo tồn và phát huy nhạc cụ dân tộc Mạ” đưa vào chương trình giảng dạy cho học sinh.

Năm 2021, cô trò Trường THCS&THPT Lộc Bắc đã đi điền dã, gặp gỡ các nghệ nhân, những già làng, người cao niên như K’Pía, K’Trời, K’Quế… sưu tầm, ghi chép và thực hành chế tác các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Mạ. Một số em còn học được cách biểu diễn nhạc cụ, đặc biệt em Ka Thư không chỉ biết đánh cồng chiêng mà còn thể hiện được kèn bầu, đàn tre và hát bằng tiếng Mạ.

Trong những chuyến điền dã, cô trò nhà trường đã tận mắt chứng kiến chiếc kèn bầu (M’buốt, Woăt), sáo B’re do chính nghệ nhân K’Pía chế tác hay bộ chiêng 6 cái, đàn tre, kèn môi và cả chiếc kèn bầu đã bị hỏng nặng tại ngôi nhà sàn nghệ nhân K’Trời. Cô giáo dạy Ngữ văn Trần Thị Lộc chia sẻ: “Cô trò đều rất ngạc nhiên vì lần đầu tiên nhìn thấy. Một trái bầu khô, mấy ống tre nhỏ, sáp ong đất, những vật liệu hết sức bình dị, quen thuộc có thể tìm thấy trong các gia đình người Mạ nhưng khi được chế tác thành nhạc cụ thì đã trở thành một vật thiêng bởi nó kết tinh văn hóa dân tộc. Chúng tôi ngồi nghe các nghệ nhân kể về các loại nhạc cụ người Mạ và lắng nghe âm thanh của kèn bầu. Một thứ giai điệu quen thuộc như kéo con người về với đại ngàn, được trở về với bản thể khi con người còn sống hòa mình với thiên nhiên”.

Học sinh được nghệ nhân Mạ hướng dẫn chế tác kèn bầu.

Theo cô Lộc, các nhạc cụ dân tộc Mạ hiện không còn nhiều, bên cạnh cồng chiêng chỉ còn đàn tre, kèn bầu và đàn môi; đàn đá và kèn T’diếp không còn được tìm thấy trong các gia đình người Mạ ở hai xã Lộc Bắc, Lộc Bảo. Điều này được xác thực từ già làng K’Quế ở thôn Hang Ka, xã Lộc Bảo.

Cùng với sự giúp đỡ của các nghệ nhân, cô trò thu hoạch được nhiều “quả ngọt” sau nhiều tháng. Các em học sinh tự làm được đàn tre và ghi lại cách làm loại nhạc cụ khác. Sau bản ký âm của giáo viên âm nhạc, ngoài Ka Thư, nhiều học sinh hình dung ban đầu cách thể hiện một số nhạc cụ. Các sản phẩm nhạc cụ do các em làm được trưng bày tại phòng âm nhạc của nhà trường để giới thiệu đến học sinh toàn trường. Nhóm tham gia đề tài thành lập Câu lạc bộ Văn nghệ dân gian người Mạ trong trường; lập fanpage “Âm sắc người Mạ” để kết nối cộng đồng dân tộc Mạ ở khắp nơi trên đất nước. 

Thành quả của thầy trò Trường THPT P’Ró, Trường THCS&THPT Lộc Bắc đã được khẳng định tại các cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh phổ thông cấp tỉnh Lâm Đồng. Đề tài “Thực trạng nghề gốm của người Chu Ru ở làng Krăng Gọ và một số định hướng bảo tồn, phát huy trong thời gian tới” được trao giải Nhất, năm học 2019 – 2020; đề tài “Giải pháp bảo tồn và phát huy nhạc cụ dân tộc Mạ tại xã Lộc Bắc, Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng” đoạt giải Nhì, năm học 2021 – 2022 và riêng đề tài về kèn bầu đoạt giải Nhất năm học 2023 - 2024.  

Minh Đạo


Ý kiến bạn đọc