Multimedia Đọc Báo in

Có nên cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học?

08:13, 16/07/2025

Việc học sinh sử dụng điện thoại trong trường học là vấn đề phức tạp, có cả lợi ích và hệ lụy, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng và giải pháp toàn diện từ nhà trường, gia đình và bản thân học sinh.

Nhiều hệ lụy khi sử dụng sai mục đích

Trong bối cảnh công nghệ số hiện nay, điện thoại di động đã trở thành một trong những công cụ hữu hiệu (để liên lạc, lưu giữ khoảnh khắc, dữ liệu…) và được học sinh sử dụng phổ biến trong trường học. Các bậc phụ huynh thường mua và cho con em mình sử dụng điện thoại để tiện liên lạc, kiểm tra việc học tập ở trường, ở nhà…

Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT, ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.

Như vậy, về căn bản, việc sử dụng điện thoại trong lớp học là hành vi bị cấm; học sinh chỉ được sử dụng khi có sự đồng ý của giáo viên dưới sự giám sát của giáo viên, nhà trường và gia đình học sinh. Tuy nhiên, vì sức hút của các ứng dụng thông minh trên điện thoại (sự bùng nổ của game online, mạng xã hội…), đặc thù của lứa tuổi đang giai đoạn phát triển, nhiều học sinh đã sử dụng điện thoại sai mục đích dẫn đến những mâu thuẫn và hậu quả đáng tiếc.

Các chương trình trải nghiệm là hoạt động bổ ích, hạn chế việc học sinh dành thời gian quá nhiều để tiêu khiển bằng sử dụng điện thoại.

Đầu tháng 3/2025, xuất phát từ việc có bài viết trên mạng xã hội để chế độ ẩn danh nói xấu mình (nghi ngờ em N.T.L. đã viết), nữ sinh H.Y.N., lớp 10A7, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (phường Buôn Hồ) đã liên tiếp chửi bới, dùng tay đánh, dùng dụng cụ để dọa bạn cùng lớp N.T.L. ngay trong lớp học. Sau đó, video N. chửi, đánh bạn cũng phát tán trên mạng xã hội. Hay đầu năm 2022, hai học sinh của hai trường THPT trên địa bàn phường Thành Nhất có mâu thuẫn với nhau và lên mạng xã hội Facebook hẹn đánh nhau vào tối 4/1/2022; một học sinh (19 tuổi) bị xe ô tô tông trúng tử vong tại chỗ trên đường bỏ chạy…

Tháng 3/2021, do có mâu thuẫn với nhau trên Facebook nên hai nhóm với 30 học sinh THPT ở phường Buôn Ma Thuột và phường Thành Nhất hẹn nhau ra quán nước để giải quyết mâu thuẫn bằng cách đánh nhau và làm một học sinh bị thương. Vụ việc sau đó chỉ chấm dứt khi có tiếng hô “công an” của người dân.

Giáo dục học sinh sử dụng điện thoại đúng cách

Việc sử dụng điện thoại trong lớp học với mục đích học tập của học sinh chính là khai thác các lợi thế kết nối của thiết bị thông minh, góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học trong thời kỳ chuyển đổi số. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định rõ; các trường học cũng có nội quy rõ ràng về giới hạn của việc sử dụng điện thoại.

Tuy nhiên việc sử dụng điện thoại như thế nào lại phụ thuộc vào mỗi học sinh; trong đó có một số em lợi dụng việc được mang điện thoại vào lớp để làm việc riêng (xem phim, chụp ảnh, quay clip…); việc xử lý lại chưa thống nhất (tùy thuộc vào mỗi địa phương, trường học) do đó các cơ sở giáo dục và giáo viên vẫn gặp khó trong quá trình xử lý khi phát hiện học sinh vi phạm…

Giáo viên và học sinh Trường THCS Phan Bội Châu (phường Thành Nhất) sử dụng máy tính để tìm kiếm tài liệu thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học tại trường.

Với 29 năm gắn bó với nghề giáo, thầy Bùi Quang Trương Tâm, giáo viên Trường THPT Buôn Ma Thuột (phường Buôn Ma Thuột) chia sẻ, việc cấm học sinh dùng điện thoại thực ra không khó, chỉ cần một mệnh lệnh hành chính là có thể thực hiện ngay. Tuy nhiên, giá trị cốt lõi của giáo dục nằm ở việc hướng dẫn các em sử dụng điện thoại một cách thông minh và có trách nhiệm; biến nó thành một công cụ hữu ích của thời đại. Vai trò then chốt trong việc này thuộc về giáo viên chủ nhiệm thông qua sự phối hợp chặt chẽ với phụ huynh. Bởi điện thoại không có tội. Lỗi là do học sinh thiếu ý thức hoặc giáo viên chưa quán triệt dứt khoát trong giờ dạy. Để thành công, giáo viên chủ nhiệm phải thực sự quyết đoán và kiên trì, đôi khi phải đóng vai trò như một “cảnh sát trường học” để học sinh chưa nghiêm túc phải tuân thủ quy định.

Theo thầy Mai Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ (xã Krông Pắc), học sinh có thể dùng điện thoại như một công cụ hỗ trợ học tập, tìm tài liệu theo yêu cầu của giáo viên tại trường học. Các em cũng cần học cách sử dụng điện thoại đúng mục đích, không lạm dụng vì ngay cả người lớn cũng dễ sa đà vào việc sử dụng điện thoại. Chế tài xử lý cần được quy định chặt chẽ, thống nhất. Các trường cũng cần sự đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại (máy tính, máy tính bảng…) để đáp ứng được nhu cầu học tập, nghiên cứu tài liệu của học sinh mà không cần đến điện thoại cá nhân…

Quản lý chặt chẽ và giáo dục khoa học là chìa khóa để điện thoại di động trở thành công cụ học tập đắc lực trong trường học, biến thiết bị này thành trợ thủ giúp học sinh phát triển toàn diện, tối ưu hóa lợi ích mà nó mang lại.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Bác sĩ của ... voi
Ở Đắk Lắk, có những bác sĩ không làm việc trong bệnh viện mà gắn bó với rừng, với buôn làng để chăm sóc những “bệnh nhân” khổng lồ là những con voi nhà. Công việc của họ thầm lặng nhưng đầy gian nan, góp phần bảo vệ một loài vật quý đang đứng bên bờ tuyệt chủng.