Multimedia Đọc Báo in

Những sáng chế mới lạ, thân thiện môi trường

08:30, 07/08/2021

Màng bọc thực phẩm thân thiện từ... lá xoài

Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Cadiz (Tây Ban Nha) và Đại học Aveiro (Bồ Đào Nha) cùng các cộng sự tại Biopol4fun (Mỹ) đã phối hợp nghiên cứu, cho ra đời màng bọc thực phẩm chế từ xenlulo sợi nano và chiết xuất ​​lá xoài giúp bảo quản thực phẩm lâu hơn, chống tia cực tím tốt hơn so với nhựa chức năng.

Màng bọc thực phẩm này có chứa các hợp chất chống vi khuẩn và chống oxy hóa từ chiết xuất lá xoài đã được thử nghiệm trong ống nghiệm, tạo ra bộ lọc tia cực tím mạnh hơn, giúp làm chậm sự hư hỏng của thực phẩm. Chiết xuất thu được từ lá xoài sau đó sẽ được kết hợp với nanocellulose từ quá trình xử lý giấy để tạo thành một lớp màng mới thông qua một kỹ thuật được gọi là ngâm tẩm dung môi siêu tới hạn. Do có hàm lượng các hợp chất chống vi khuẩn và chống oxy hóa cao hơn nên bảo quản thực phẩm tốt hơn.

Tuyến đường tự sạc điện cho xe ô tô

Bang Indiana (Mỹ) đang chuẩn bị thử nghiệm trên toàn tiểu bang cung đường sạc điện cho xe ô tô chạy điện. Theo thông báo của Sở Giao thông vận tải Indiana (INDOT), với sự trợ giúp của Quỹ Khoa học quốc gia (NSF) và Đại học Purdue (Đức), INDOT sẽ thử nghiệm một loại xi măng từ tính hóa mới có tên Magment, trên một đoạn đường dài 0,4 km. Magment hứa hẹn cung cấp điện cho các phương tiện chạy qua với hiệu suất lên tới 95%. Nếu thành công, đoạn đường thử nghiệm thứ hai dài 0,4 km khác sẽ được xây dựng cho xe tải điện, đoạn đường này cần tối thiểu 2.000 kilowatt điện. Nếu thử nghiệm suôn sẻ, INDOT sẽ lên kế hoạch xây dựng quy mô công cộng. Magment có thể chịu mọi điều kiện thời tiết, sở hữu khả năng dẫn nhiệt cao, an toàn trước hoạt động của môi trường và không tốn kém hơn so với vật liệu làm đường tiêu chuẩn.

Tuyến đường tự sạc điện cho xe ô tô.

Biến tã lót... thành băng dán

Nhóm chuyên gia ở Đại học Michigan, Mỹ (UoM) vừa phát triển công nghệ hữu ích là tái chế bỉm trẻ em thành băng dán y tế và giấy ghi nhớ. Theo thống kê, mỗi năm, con người thải ra 3,5 triệu tấn tã giấy bỉm, bên trong tã được làm từ lưới polymer giãn nở khi bị ướt. Polymer là một chuỗi dài tổ hợp lặp lại, gốc polymer axit polyacrylic. Nhóm đề tài đã nghĩ ra cách thu gom polymer thấm nước và tái chế thành vật liệu có tính năng tương tự như giấy ghi nhớ và băng gạc.

Anne McNeil, đồng tác giả nghiên cứu tiết lộ, quy trình này sử dụng hóa chất và biến đổi hóa học tạo ra một vật liệu mới. Các nhà khoa học đã tách nhựa dựa trên đặc điểm của chúng, phân loại, hóa lỏng thông qua quá trình 3 bước, phá hủy kết nối của mạng lưới polymer, biến thành chuỗi hòa tan trong nước; tiếp theo là xử lý, tinh lọc để có sản phẩm cuối, thay đổi đặc tính từ hòa tan trong nước thành hòa tan trong chất hữu cơ, và biến thành chất dính.

Người khiếm thính giao tiếp dễ dàng hơn nhờ... găng tay

Hãng Công nghệ Wulala (WTC), Trung Quốc vừa trình làng một loại găng tay dịch ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với người khiếm thính. Thiết bị này được đeo trên tay phải người dùng, ghép nối qua Bluetooth với một ứng dụng đi kèm trên điện thoại thông minh. Thiết bị sử dụng cảm biến uốn cong siêu nhạy hai chiều ở mỗi ngón tay, và thiết bị đo lường quán tính (IMU) trong lòng bàn tay. Các cảm biến theo dõi tư thế của ngón tay, còn IMU theo dõi chuyển động và vị trí của găng tay trong không gian ba chiều.

Găng tay dịch ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với người khiếm thính.

Nguyên lý hoạt động tóm tắt như sau: người dùng đeo găng buông thõng bên hông, sau đó nắm tay để kích hoạt thiết bị. Khi âm thanh phát to cho biết đã sẵn sàng, người dùng sẽ giơ tay và thực hiện các chuyển động cần thiết nhằm thực hiện các ký hiệu để truyền tải thông tin. Khi thả tay xuống là lúc tin nhắn hoàn tất, đồng thời uốn cong các ngón tay và duỗi thẳng ngón tay cái để cho chiếc găng tay biết rằng họ đã hoàn tất. Thông điệp sau đó được chuyển tiếp qua ứng dụng dưới dạng cả văn bản trên màn hình và lời nói tổng hợp. Sau khi nhìn và nghe tin nhắn đó, người nghe có thể nói phản hồi vào micrô của điện thoại. Phản hồi đó sẽ được hiển thị cả dưới dạng văn bản và ngôn ngữ ký hiệu được thực hiện bởi hình đại diện hoạt hình, cho phép người dùng khiếm thính có thể hiểu được.

Nguyễn Duy

(Dịch từ FRC/LSC/EC/SDC/Weforum/NAC- 7/2021)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.