Multimedia Đọc Báo in

Phát minh mới, độc đáo, hữu ích

09:47, 01/08/2021

Sắp có vắc xin phòng sốt rét

Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) đang nghiên cứu phát triển một loại vắc xin ngừa sốt rét có chứa ký sinh trùng sống, có khả năng bảo vệ gần như tất cả những người được tiêm không bị nhiễm bệnh trong một thử nghiệm lâm sàng nhỏ.

Với 42 người tình nguyện, mỗi người được tiêm một mũi vắc xin chứa ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum sống, cùng với thuốc tiêu diệt ký sinh trùng nếu chúng đi đến gan hoặc máu. Ba tháng sau, những người tham gia được cho phơi nhiễm với ký sinh trùng sốt rét để kiểm tra hiệu quả của vắc xin. Kết quả, mũi tiêm đã tạo ra hiệu quả bảo vệ 87,5% khi phơi nhiễm với cùng chủng Plasmodium falciparum và hiệu quả bảo vệ 77,8% khi phơi nhiễm với một chủng Plasmodium falciparum khác. Nói chung, khả năng bảo vệ này cải thiện đáng kể so với những vắc xin sốt rét sử dụng ký sinh trùng sống trước đây.

Vải giúp giảm nhiệt độ cơ thể trong ngày hè

Các chuyên gia ở Đại học Bách khoa Huazhong, Vũ Hán (HUST), Trung Quốc vừa phát triển thành công một loại vải có thể giúp người mặc mát mẻ trong mùa hè nóng nực. “Chìa khóa” của công nghệ này là kết hợp sợi vải thủy tinh với hạt nano composite, giúp người mặc điều chỉnh thân nhiệt theo ý muốn.

Loại vải “giảm nhiệt" này được chế từ sợi polytetrafluoroethylen (PTFE) trộn với hạt nano composite của oxit titan và axit polylactic. Các vật liệu này kết hợp với nhau có thể phản xạ lại ánh sáng trong vùng phổ khả kiến (VIS), vùng hồng ngoại gần (MIR) và các tia cực tím (UV). Người ta gọi đây là thủ thuật làm mát bằng bức xạ, từng được làm mái, phim chống nóng, xử lý gỗ và tạo ra các loại sơn chống nhiệt. Áo làm từ loại vải này giúp người mặc mát hơn, nhiệt độ thấp hơn lần lượt 5 độ C so với vải cotton, 6,8 độ C so với vải thun, 7 độ C so với voan...

Huy chương Olympic 2020 chế từ... rác thải điện tử

Thế vận hội Olympic 2020 được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh đặc biệt do đại dịch COVID-19 nên nước chủ nhà đã đưa ra sáng kiến sử dụng huy chương Olympic 2020 chế từ rác thải điện tử. Theo báo chí Nhật Bản, Ban tổ chức Olympic 2020 đã gom được 79.000 tấn điện thoại và thiết bị điện tử cũ để tái chế, thu về 32 kg vàng, 3.500 kg bạc cùng 2.200 kg đồng và kẽm, đủ dùng để đúc hơn 5.000 chiếc huy chương.

Huy chương Olympic 2020 chế từ rác thải điện tử.

Khẩu trang “bánh mì dưa gang” của người Nhật

“Melonpan Bread” (bánh mì dưa gang) là một trong những loại bánh mì thơm ngon có hình trái dưa gang hấp dẫn của người Nhật. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, người Nhật lại nghĩa ra sản phẩm mới: khẩu trang “bánh mì dưa gang” có đường kính 12 cm tên là Mask Pan.

Đây là sản phẩm của hãng Goku no Kimochi ở Tokyo. Đây cũng là loại khẩu trang ăn được đầu tiên trên thế giới, lấy cảm hứng từ sở thích yêu hương vị bánh mì của người Nhật. Theo giải thích của Goku no Kimochi, khẩu trang ra đời là để tạo ra những kỷ niệm vui vẻ cho tất cả mọi người trong bối cảnh dịch bệnh và nhắc nhở mọi người duy trì thói quen phòng chống dịch. Theo một thử nghiệm về hiệu suất được bên thứ ba thực hiện vào tháng 4 thì khẩu trang Mask Pan tốt ngang bằng hoặc tốt hơn khẩu trang bán trên thị trường về hiệu suất ngăn giọt bắn.

Khẩu trang “bánh mì dưa gang”.

Bẫy nano vô hiệu hóa vi rút truyền nhiễm

Một nhóm chuyên gia ở Đại học Công nghệ Munich (TUM), Đức vừa phát minh chiếc bẫy kích thước nano, có thể đưa vào cơ thể để “nhử và gom" vi rút viêm gan B hoặc adenovirus, đồng thời có thể sử dụng như phương tiện vận chuyển thuốc.

Bẫy nano của TUM được tạo thành từ 20 bề mặt hình tam giác rỗng để tạo không gian vi rút đi vào và kẹt trong bẫy. Theo thiết kế, vi rút có kích thước tối đa 180 tiểu đơn vị protein dễ dàng mắc vào. Để chống bẫy nano bị phân hủy trong cơ thể, nhóm đề tài đã chiếu tia UV và dùng polyethylene glycol và oligolysine xử lý bên ngoài các khối gấp. Kết quả thử nghiệm cho thấy, bẫy nano khi đưa vào huyết thanh chuột có thể ổn định trong 24 giờ. Ngoài vô hiệu hóa vi rút truyền nhiễm, bẫy này có thể sử dụng như một phương tiện vận chuyển kháng nguyên, thuốc vào cơ thể.

Duy Nguyễn

(Dịch từ Nature/NAC/BIC/Kotaku/SC-7/2021)

 


Ý kiến bạn đọc