Multimedia Đọc Báo in

Công bố phát hiện mới nhất về virus SARS-CoV-2

14:54, 01/10/2021

Tuần qua, các chuyên gia đã công bố kết quả một loạt nghiên cứu với những phát hiện mới về virus SARS-CoV-2.

Trong nghiên cứu của cộng đồng bác sĩ và nhà khoa học Weill Cornell Medicine tại New York (Mỹ) do bác sĩ Shuibing Chen đứng đầu, các chuyên gia đã phát hiện rằng khi virus SARS-CoV-2 nhiễm vào các tế bào, chúng không chỉ làm suy yếu hoạt động của tế bào mà cũng có thể thay đổi chức năng của tế bào.    

Cụ thể, khi các tế bào beta sản xuất insulin trong tuyến tụy nhiễm virus SARS-CoV-2, chúng không chỉ sản xuất ra ít insulin hơn bình thường mà còn bắt đầu sản xuất glucose và men tiêu hóa, vốn không phải là chức năng của các tế bào này.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho sinh viên tại trung tâm y tế Brooklyn ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho sinh viên tại trung tâm y tế Brooklyn ở New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trưởng nhóm nghiên cứu trên, bác sĩ Shuibing Chen đã trình bày công trình này ngày 28-9 tại hội nghị thường niên trực tuyến của Hiệp hội châu Âu về nghiên cứu bệnh tiểu đường. Bà gọi thực tế trên là "sự thay đổi bản chất của tế bào". Trong một báo cáo trước đó công bố trên Cell Metabolism, các nhà nghiên cứu cho biết hiện chưa rõ liệu các thay đổi này có kéo dài hay không.    

Nhóm nghiên cứu của bác sĩ Chen đã tiến hành thử nghiệm với virus SARS-CoV-2 trong các nhóm các tế bào được thiết kế nhằm tạo ra các tiểu cơ quan (organoids) giống như phổi, gan, ruột, tim và hệ thống thần kinh. Các phát hiện của nghiên cứu cho thấy tình trạng mất bản chất/chức năng của tế bào cũng có thể xảy ra trong các mô phổi.

Theo bà Chen, một số người bình phục sau khi mắc COVID-19 đã mắc bệnh tiểu đường. Chính vì vậy, bà nhấn mạnh rằng rất cần điều tra tỷ lệ bệnh nhân tiểu đường mới trong đại dịch COVID-19.         

Một nghiên cứu khác của Đại học Sao Paulo (Brazil), công bố trên Frontiers in Immunology ngày 28-9, tập trung vào các cặp vợ chồng, trong đó cả hai người đều phơi nhiễm với virus nhưng chỉ có một người nhiễm bệnh. Nghiên cứu này đã giúp làm rõ tại sao một số người có khả năng chống chọi tự nhiên với virus.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Rio Grande do Sul, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Rio Grande do Sul, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà nghiên cứu cho rằng các trường hợp như vậy rất hiếm nhưng lời kêu gọi các tình nguyện viên có các đặc điểm phù hợp với nghiên cứu trên đã thu hút hàng nghìn cặp vợ chồng. Nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu máu của 86 cặp vợ chồng để phân tích chi tiết. Kết quả cho thấy các cặp đôi chống chọi tốt thường có các gene góp phần kích hoạt các tế bào tiêu diệt tự nhiên (gọi là tế bào NK), vốn là một phần của phản ứng ban đầu của hệ miễn dịch với mầm bệnh. Khi các tế bào NK được kích hoạt đúng, chúng có thể nhận biết và phá hủy các tế bào nhiễm virus, ngăn chặn bệnh phát triển.  

Trong một diễn biến khác, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy Molnupiravir, một loại thuốc kháng virus dạng uống đang thử nghiệm để chống COVID-19 của hãng Merck & Co, có thể hiệu quả đối với bệnh nhân nhiễm bất cứ biến thể nào của virus SARS-CoV-2, kể cả biến thể Delta siêu lây nhiễm. Kết quả trên được các nhà nghiên cứu trình bày tại hội nghị trực tuyến IDWeek 2021 của các tổ chức các bệnh truyền nhiễm ngày 29-9.

Theo TTXVN


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.