Multimedia Đọc Báo in

Đến năm 2025: phấn đấu 100% các khu du lịch, khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần

11:30, 09/11/2021

Theo Kế hoạch triển khai Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh, đến năm 2025 phấn đấu 100% các khu du lịch, khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Cùng với đó, phấn đấu sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân huỷ; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh, giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên sông, suối, kênh, rạch…

Để đạt được những mục tiêu trên, các sở, ban, ngành và địa phương sẽ tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người; nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng phát sinh, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý. 

Người dân TP. Buôn Ma Thuột đổi rác thải nhựa lấy rau sạch. (Ảnh minh họa)
Người dân TP. Buôn Ma Thuột đổi rác thải nhựa lấy rau sạch. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, ban hành và thực hiện quy định, quy chế trong cơ quan, đơn vị để hạn chế tối đa việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong tổ chức sự kiện và hoạt động thường nhật; xây dựng chính sách đồng bộ để phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa tại nguồn phù hợp với điều kiện của từng địa phương nhằm tăng cường sử dụng, tái chế chất thải nhựa. 

UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn xây dựng quy chế quản lý, hương ước, quy ước nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý chất thải nhựa và bảo vệ môi trường. Mở rộng phạm vi thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các xã nông thôn trên địa bàn quản lý; tổ chức thu gom, xử lý chất thải nhựa trôi nổi trong môi trường (tại các dòng sông, suối, kênh, khu bảo tồn)…

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.