Hội thảo khoa học phát triển hồ tiêu bền vững khu vực Tây Nguyên
Sáng 20-12, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh đã tổ chức hội thảo khoa học phát triển hồ tiêu bền vững khu vực Tây Nguyên.
Tham dự có đồng chí Y Biêr Niê – Phó Bí thư Tỉnh ủy và đại diện các sở, ngành, đơn vị hữu quan.
Theo báo cáo tại hội nghị, Tây Nguyên là vùng trồng hồ tiêu lớn nhất của cả nước với trên 70% diện tích; trong khi đó, những năm qua việc sản xuất hồ tiêu ở khu vực Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng gặp nhiều khó khăn, ngoài nguyên nhân giá cả thị trường biến động gây bất lợi cho người trồng thì còn do tình hình sâu, bệnh xuất hiện gây thiệt hại ngày càng tăng.
Riêng đối với tỉnh Đắk Lắk, đến cuối năm 2020, diện tích cây hồ tiêu là 34.500 ha (chiếm 40,1% diện tích toàn vùng); trong đó, diện tích cho sản phẩm là 30.150 ha, năng suất sản phẩm trên 25 tạ/ha, sản lượng 75.8181 tấn (chiếm 43,3% toàn vùng). Hiện nay, địa phương có rất ít nhà máy chế biến và bảo quản; số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ; chưa có sự liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất đến tiêu thụ; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho cây hồ tiêu còn hạn chế…
Đại biểu tham dự hội thảo. |
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo tham luận và trao đổi, chia sẻ về: Thực trạng sản xuất và định hướng phát triển cây hồ tiêu bền vững trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới; Một số kết quả của chương trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển hồ tiêu bền vững ở Tây Nguyên; Một số thành tựu nghiên cứu về cây hồ tiêu, định hướng nghiên cứu và phát triển hồ tiêu bền vững tại tỉnh Đắk Lắk; Dự báo thị trường và định hướng phát triển hồ tiêu trong thời gian tới…
Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. |
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, đồng chí Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, thời gian qua việc phát triển hồ tiêu trên địa bàn tỉnh nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung còn nhiều bất cập. Do đó, trong thời gian tới cần tập trung quản lý, rà soát lại diện tích trồng hồ tiêu để bảo đảm vùng sản xuất tập trung thuận lợi cho đầu tư thâm canh, gắn với các nhà máy chế biến; nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức lại sản xuất, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết; tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm; đẩy mạnh xúc tiến thương mại hồ tiêu ở thị trường lớn, khó tính như Mỹ, Nhận Bản, EU và tìm kiếm mở rộng thêm thị trường tiềm năng ở Trung Đông, Châu Phi…
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc