Những chuyện lạ về mèo
Mèo là loài vật thân thiết đối với con người, thường gắn với những hình ảnh dễ thương, đáng yêu và là thú cưng không thể thiếu trong nhiều gia đình. Nhân dịp năm mới Quý Mão, giới thiệu cùng bạn đọc những kỷ lục về loài vật đáng yêu này...
Mèo hai mặt
Một người dân ở San Diego (Mỹ) có một con mèo cái nhỏ màu đen tên là Duo. Điều đặc biệt là Duo có một cái đầu nhưng có đến hai khuôn mặt, hai miệng, hai mũi và bốn mắt. Duo bị mẹ bỏ rơi ngay từ khi mới ra đời và may mắn được một người bạn của bác sĩ thú y Ralph Tran nhận nuôi.
Chú mèo hai mặt Duo. |
Khi mới sinh, Duo ăn bằng ống và phải tiêm trực tiếp vào dạ dày, sau đó tự ăn được. Do cả hai miệng và hai mũi đều độc lập nên mỗi lần ăn uống là lần tranh giành nhau nên trán Duo lúc nào cũng dính đầy đồ ăn. Ngoài khuôn mặt đặc biệt, Duo còn gặp các vấn đề sức khỏe khác như nhiễm trùng đường hô hấp, co giật và đi lại khó khăn. Khi lớn hơn chút nữa Duo có thể phải phẫu thuật chỉnh hình.
Mèo sống thọ nhất thế giới
Cuối tháng 11/2022, con mèo cái Flossia của chị Vicki Green ở Orpington London (Anh) đã được Sách Kỷ lục Guiness thế giới (GWR) ghi danh cho nội dung mèo sống lâu nhất hành tinh (Oldest Cat). Flossia hiện đã bước sang tuổi 27 + 329 ngày.
Flossia - chú mèo sống thọ nhất. |
Theo giấy tờ ghi thì Flossia sinh năm 1995. Khi còn nhỏ Flossia đã đi lạc vào một bệnh viện ở Merseyside, được nhân viên giữ lại, đem về nuôi trong nhiều năm. 14 năm sau khi người chủ qua đời, Flossia đã được chị Vicky Green nhận nuôi. Theo chị Vicky, hiện tại sức khỏe của Flossia vẫn ổn dù tai hơi nghễnh ngãng. Theo Ban biên tập sách GWR, kỷ lục này rất hiếm; nếu quy đổi theo tuổi thọ con người thì tuổi Flossia tương đương khoảng 120 tuổi.
Mèo từng là đồng tác giả nghiên cứu khoa học
“Nhà khoa học bốn chân” tên là F.D.C Willard đã cùng với nhà vật lý học người Mỹ Jack H. Hetherington ở Đại học Michigan (Mỹ) đứng tên trong nghiên cứu vật lý tựa đề “Two-, Three-, and Four-Atom Exchange Effects in bcc 3 He.” (Hiệu ứng trao đổi nguyên tử 2, 3, 4 trong bbc 3He).
Chuyện bắt đầu vào những năm 1970, khi giáo sư vật lý người Mỹ Jack H. Hetherington viết một bài báo đề cập “tính hoạt hóa của các nguyên tử ở các mức nhiệt độ khác nhau”, nhưng sau khi đánh máy xong ông đã phát hiện ra một lỗi: mặc dù Hetherington là người duy nhất nghiên cứu, nhưng lại sử dụng từ “chúng tôi” và “chúng ta” nhiều lần trong bài báo của mình. Thế là, thay vì viết lại toàn bộ, Hetherington đã thêm một tác giả phụ đó là con mèo riêng mà Hetherington đang nuôi có tên Chester. Để làm cho có vẻ đáng kính hơn, Hetherington đã đặt bút danh cho mèo là F.D.C. Willard (Willard là để vinh danh mèo, còn F.D.C. là sự kết hợp giữa tên khoa học của mèo nhà Felis domesticus với Chester). Bài báo được công bố trên tạp chí Physical Review Letters, được độc giả đón nhận nồng nhiệt năm 1980.
Mèo làm từ thiện
Con mèo cái Lil Bub của anh Mike Bridavsky (Mỹ) ra đời tháng 6/2011. Lil Bub mắc hội chứng lùn do đột biến gien nên cơ thể “mãi mãi không lớn được”, lúc nào cũng trông như một con mèo con. Đặc biệt, Lil Bub lại không có răng hàm nên lưỡi luôn thè ra ngoài trông rất đáng yêu.
Việc không lớn được khiến Lil Bub trở thành mèo “mãi mãi tuổi thiếu niên”, chẳng biết bao nhiêu tuổi. Bởi vẻ ngoài đặc biệt nên Lil Bub rất nổi tiếng, đến thời điểm hiện tại, tài khoản Instagram mang tên Lil Bub đã có tới 2,4 triệu người theo dõi trong khi Fanpage trên Facebook có hơn 3 triệu lượt thích, còn kênh YouTube có hơn 342 nghìn người đăng ký. Nhiều hãng tin lớn đã viết về Lil Bub, thậm chí tạp chí Vice còn sản xuất một bộ phim tài liệu về Lil Bub. Nhưng đóng góp lớn nhất của Lil Bub có lẽ là hợp tác với ASPCA để thành lập Quỹ Lil Bub’s Big Fund, một tổ chức từ thiện đã quyên góp được hơn 350.000 USD cho thú cưng mắc bệnh đặc biệt. Lil Bub qua đời hồi tháng 5/2019 do mắc chứng nhiễm trùng xương.
Nguyễn Duy (Theo PC/MC/Grunge - 11/2022)
Ý kiến bạn đọc