Bảo tồn nấm linh chi đỏ: Từ phòng thí nghiệm đến thực tế
Với mong muốn khai thác kết hợp bảo tồn nấm linh chi đỏ (Ganoderma lucidum) của Tây Nguyên, Viện Công nghệ sinh học và Môi trường (Trường Đại học Tây Nguyên) đã nghiên cứu và chuyển giao, ứng dụng rộng rãi công nghệ trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng tại nhiều địa phương trên cả nước, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế.
Bảo tồn nguồn gen quý
Nấm linh chi đỏ là một loại nấm dược liệu, thường mọc trong rừng, được người dân thu hái về làm thuốc. Nấm linh chi thu hái trong tự nhiên có giá trị dược tính cao, giá bán trên thị trường từ 2 - 3 triệu đồng/kg. Do nhu cầu sử dụng tăng và giá cao nên nấm linh chi trong rừng tự nhiên bị khai thác quá mức, dẫn đến nguồn gen quý này ngày càng khan hiếm.
Trước thực tế đó, năm 2013, Viện Công nghệ sinh học và Môi trường đã nghiên cứu về nấm, công nghệ trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng theo quy trình gần với tự nhiên hơn. Các thành viên nhóm nghiên cứu đã lặn lội vào các cánh rừng ở Tây Nguyên để lấy mẫu, kiểm tra thực tế và nghiên cứu quy trình phát triển, kỹ thuật trồng nấm dưới tán rừng…
Thu hoạch nấm linh chi đỏ dưới tán rừng tại Công ty TNHH Minh Khánh (tỉnh Gia Lai). Ảnh: Bảo Anh |
Từ kết quả nghiên cứu được, Viện đã chuyển giao công nghệ trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã ở các tỉnh: Cà Mau, Đồng Nai, Đắk Nông, Gia Lai, Đắk Lắk. Hiện nay, Viện tiếp tục sản xuất giống meo gốc cung cấp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nấm linh chi trên cả nước để triển khai và nhân rộng mô hình. Giáo sư, Viện trưởng Nguyễn Anh Dũng cho biết: “Biên độ nhiệt phù hợp để trồng nấm linh chi đỏ là 15 - 32oC, nhưng nấm phát triển tốt nhất trong khoảng 20 - 30oC. Môi trường dưới tán rừng, đặc biệt là khu vưc Tây Nguyên rất phù hợp để trồng nấm linh chi đỏ”.
Hướng đi mới cho kinh tế rừng
Hợp tác xã (HTX) Nấm dược liệu Chư Yang Sin (thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) được thành lập tháng 4/2023 (tiền thân là Tổ hợp tác Nấm dược liệu Chư Yang Sin) với 7 thành viên; là đơn vị chuyên sản xuất phôi giống nấm linh chi đỏ và các sản phẩm từ nấm linh chi như: rượu nấm linh chi đỏ, trà nấm linh chi, nấm linh chi khô...
Với mong muốn đưa những sản phẩm mới, có chất lượng và mang lại giá trị lâu dài, bền vững cho địa phương, tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân, tháng 1/2023, Tổ hợp tác Nấm dược liệu Chư Yang Sin đã được Viện Công nghệ sinh học và Môi trường hỗ trợ triển khai mô hình sản xuất phôi giống nấm linh chi đỏ và trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng trồng (keo lai) 3 - 5 năm tuổi. Mô hình được triển khai tại thôn 7, xã Cư Kty trên diện tích gần 1 ha (hiện đã trồng khoảng 50.000 phôi giống, mật độ 35 - 40 phôi/m2), chia ra nhiều giai đoạn trồng. Hiện tại, nấm trồng giai đoạn đầu tiên (khoảng 60 ngày tuổi) đang phát triển rất tốt, dự kiến khoảng 45 ngày nữa là cho thu hoạch lứa đầu tiên.
Người dân huyện Krông Bông trồng nấm linh chi đỏ dưới tán keo để tăng thu nhập. |
Bà Lê Thị Ái Phượng, Giám đốc HTX Nấm dược liệu Chư Yang Sin nhận định, so với trồng nấm linh chi đỏ trong nhà theo cách thức truyền thống thì trồng dưới tán rừng nhẹ nhàng hơn bởi nó tận dụng được tiểu khí hậu do tán rừng tạo dựng nên ít tốn công chăm sóc và chi phí khác; dược tính của nấm mang tính tự nhiên cao hơn. Theo tính toán của HTX, việc trồng nấm dưới tán rừng sẽ gia tăng thu nhập trên cùng một diện tích; quá trình trồng phải tưới nước 2 lần/ngày, qua đó giảm nguy cơ cháy rừng; tăng thêm cơ hội để phát triển kinh tế rừng…
Còn tại tỉnh Gia Lai, mô hình này đã được triển khai nhiều năm nay và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Theo ông Nguyễn Công Hiệu, Giám đốc Công ty TNHH Minh Khánh (tỉnh Gia Lai), sau thất bại khi trồng nấm linh chi đỏ vào đầu năm 2017, ông đã rút ra những bài học bổ ích, tiếp tục thử nghiệm trồng dưới tán rừng keo vào cuối năm đó với sự hỗ trợ công nghệ của Viện Công nghệ sinh học và Môi trường và đạt kết quả ngoài mong đợi. Cứ 1.000 phôi nấm sau hơn 3 tháng trồng sẽ cho thu hoạch, mỗi phôi sẽ thu hoạch được 3 lần/năm nên lợi nhuận thu về tương đối cao. Ông cho hay, do trồng dưới tán rừng nên sản phẩm thu hoạch được sẽ biến động theo từng lứa, từng mùa. Hiện tại, công ty đang tiếp tục mở rộng vùng trồng sang rừng tự nhiên.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc