Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới
UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch số 191/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình số 40-CTr/TU ngày 27/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới" trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, phấn đấu đưa nền công nghệ sinh học của tỉnh Đắk Lắk phát triển; tập trung đầu tư, ứng dụng và phát triển dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học; góp phần xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GRDP của tỉnh.
Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng GRDP đạt ít nhất 38%, kinh tế số chiếm 20% GRDP. Ứng dụng nền công nghệ sinh học đạt trình độ tiên tiến, đẩy mạnh ứng dụng các dịch vụ thông minh trong các ngành, lĩnh vực. Công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; doanh nghiệp công nghiệp sinh học tăng 20% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng (so với năm 2023), thay thế ít nhất 25% sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu; đóng góp 2% vào GRDP.
Mô hình hệ thống nhà màng công nghệ cao của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch Vụ - Xuất nhập khẩu Đăng Phong phục vụ sản xuất nông nghiệp. (Ảnh minh họa) |
Đến năm 2030, nền công nghệ sinh học tỉnh Đắk Lắk đạt trình độ tiên tiến trở lên; đẩy mạnh ứng dụng các dịch vụ thông minh công nghệ sinh học rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực của tỉnh; chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Phấn đấu từng bước xây dựng nền công nghệ sinh học có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, huy động tài chính để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; doanh nghiệp công nghiệp sinh học tăng 30% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng (so với năm 2025), thay thế ít nhất 30% sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu; đóng góp 2-3% vào GRDP; bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội.
Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Đắk Lắk có nền công nghệ sinh học phát triển so với các tỉnh trong cả nước; ứng dụng rộng rãi dịch vụ thông minh trong các lĩnh vực, phát triển công nghiệp công nghệ sinh học; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp ngang tầm khu vực Tây Nguyên.
Để thực hiện các mục tiêu trên, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện sâu rộng quan điểm, mục tiêu và nội dung Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị và Chương trình số 40 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cần phù hợp với tình hình thực tế và chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện Kế hoạch.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc