Multimedia Đọc Báo in

Trí tuệ nhân tạo chưa đủ áp chế sáng tạo?

16:38, 18/08/2024

Dư luận những ngày qua lại sôi động một cuộc tranh luận lớn, khi nhiều tờ báo, tạp chí uy tín đua nhau dẫn chuyện phần mềm ChatGPT bị đánh giá không đạt tiêu chí phát triển, không tạo nên được giá trị mới trong dòng chảy ứng dụng công nghệ thế giới hiện nay.

Cộng đồng có quyền nghi ngờ, liệu những thông tin về một năng lực mới từ trí tuệ nhân tạo đã bị thổi phồng quá mức, và sự thật trí tuệ nhân tạo (AI) cho đến nay chưa đủ áp chế năng lực sáng tạo của con người?

Tờ The Washington Post, được trích dẫn nhiều về bài viết mới đây, đã ghi nhận những “điểm kém” của phần mềm AI ChatGPT. Bài báo diễn tả, cuối năm 2022, khi phần mềm này ra mắt, biểu hiện học tập và tốc độ xử lý dữ liệu công nghệ mau lẹ đã khiến thế giới bị rúng động.

Tập đoàn Microsoft đã đổ 10 tỷ USD cho công ty OpenAI đầu tư vào phần mềm này với hy vọng tạo nên một cuộc cách mạng mới về công nghệ ứng dụng. Lần lượt sau đó, các đối thủ công nghệ, từ Google, Facebook đến Apple, Tesla cũng đều nhảy vào mảng AI. Tất cả hừng hực một khí thế tin tưởng, chỉ trong một thời gian ngắn mà thôi, AI sẽ lấn sân các hoạt động, công cụ sáng tạo của con người, làm thay đổi cục diện lao động thế giới, giải quyết những khúc mắc, trì trệ trong thói quen lao động cũ, nhất là lao động thủ công truyền thống. Con người sẽ phải đối diện câu hỏi “làm gì để tồn tại trước AI”?

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet.

Song cho đến nay, The Washington Post dựa trên những ý kiến từ các chuyên gia công nghệ, đánh giá ChatGPT chưa đem lại lợi nhuận gì cho Microsoft, ngoài việc kích thích giá cổ phiếu tăng. Tờ báo này đã tiến hành khảo sát và thu nhận được, chỉ có 21% số người dùng ChatGPT để viết các kịch bản hay những nội dung cần sự sáng tạo, 18% để làm bài tập về nhà hay viết hộ tiểu luận, chủ yếu là sinh viên, học sinh. Còn lại, phần lớn hoạt động của công cụ AI xuất sắc này là được dùng dịch thuật ngôn ngữ, tìm kiếm thông tin cho nhanh và gõ các bản mã công cụ (code).

Như thế, AI thông minh chỉ được người ta sử dụng trong một phạm vi rất nhỏ, thậm chí thua cả công cụ tìm kiếm Google, dù tính năng có thể được hoàn thiện nhanh hơn. Còn nếu so với các phần mềm soạn code máy tính chuyên dụng, có sự can thiệp của con người, thì ChatGPT bị xem là có nhiều lỗi hơn.

Tờ New York Post đã tạm tính, công ty OpenAI có thể lỗ đến 5 tỷ USD trong năm 2024 vì chi phí vận hành ChatGPT quá cao, mà kết quả thu được lại không bao nhiêu. Phần mềm này, đến nay bị xem là thất bại và chỉ là “công cụ để làm bài tập về nhà và gian lận thi cử” trong hệ thống giáo dục các nước Âu Mỹ.

Đặc biệt trong mảng nội dung sáng tạo, AI ở phần mềm ChatGPT bị đánh dấu có chưa đến 2% người dùng sử dụng hài lòng khi dùng ChatGPT tìm kiếm công việc hoặc “nhờ viết hộ” hồ sơ xin việc. Những công việc nội dung khác như… làm thơ văn qua AI, chỉ là những bản lắp ghép câu chữ xơ cứng và đơn điệu, thật sự không tạo được ấn tượng với đội ngũ làm nghệ thuật nào cả.

Những dữ kiện này đã khiến giới công nghệ trở nên nghi hoặc khi nhìn lại mọi phát biểu từ những tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ đình đám về một tương lai khác biệt do có ứng dụng AI. Nhiều nhà đầu tư cho rằng phía sau dự báo về AI là thủ thuật “lùa gà” mà các đơn vị công nghệ sử dụng cho mảng cổ phiếu của mình. Theo đó, dư luận chung nhìn nhận, thế giới “đã bị lừa”.

Tuy nhiên, dù nói thế nào, hướng đầu tư vào các công cụ AI cũng đã rất rõ ràng, đã thu hút một lượng tài chính và chất xám khổng lồ để không thể dễ dàng dừng lại được. ChatGPT hay những công cụ AI khác, về đồ họa, thiết kế… cũng đã có những thành tích nhất định trong việc tạo dòng chảy niềm tin về AI ở tương lai, phục vụ đắc lực hơn vào công cuộc chuyển đổi số trên toàn thế giới.

Ngay tại thị trường Việt Nam, sự xuất hiện các công cụ AI, nhất là ChatGPT đã làm thay đổi diện mạo ngành quảng cáo, truyền thông trực tuyến, loại bỏ nhiều nội dung và cách thức làm việc, sao chép vô bổ, vi phạm bản quyền… mà các tổ chức dịch vụ sử dụng lâu nay. Ít nhất trong 2 năm qua, bộ máy truyền thông ở một số thành phố lớn đã phải tự sàng lọc lại, các nhân sự thiếu tính sáng tạo đã không còn được trọng dụng nữa. Những phần việc sáng tạo đòi hỏi có tính cảm xúc, như thiết kế thời trang, ứng dụng âm nhạc, mỹ thuật đã bắt đầu định hình những tiêu chuẩn làm việc mới. Trong mảng báo chí, vấn nạn “xào bài” bắt đầu bị xem xét chặt chẽ, nhiều người cầm bút phải chấn chỉnh lại tác phong làm việc, không thể để lệ thuộc hoàn toàn vào dữ liệu sao chép, tìm kiếm được trên mạng nữa.

Theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ, những thông tin thẩm định lại sức mạnh AI trong giới công nghệ ứng dụng, và nhất là nội dung sáng tạo, sau câu chuyện ChatGPT mà các tờ báo lớn nêu ra chắc chắn có ảnh hưởng giới hạn với nhiều người. Nhất là, một số tổ chức nghệ thuật, thiết kế, cơ quan báo chí… sẽ phải cân nhắc khả năng “lệ thuộc hóa vào AI” trong các tác phẩm, thông tin đưa ra. Trong đó, vấn đề trí tuệ cảm xúc, mảng hoạt động chỉ có ở tâm hồn con người, đang được đề cao.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.