Multimedia Đọc Báo in

Ai cần học AI?

08:41, 20/10/2024

Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng được ứng dụng phổ biến trong cuộc sống, từ thao tác giao tiếp trên điện thoại thông minh đến chạy các ứng dụng công nghệ, tác vụ máy tính trong công việc. Càng ở đô thị, ứng dụng số hóa nhiều, mọi người càng dễ dàng tiếp cận với AI. Song, không phải người nào cũng cần nắm bắt, học luyện rõ về AI.

Anh Lê Thanh Trông, một tư vấn viên về huấn luyện AI và chuyển đổi số đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, anh vừa hoàn thành một số tài liệu hướng dẫn AI cho mọi người. Theo anh, cuộc sống số khiến mỗi người phải biết AI, nhưng không phải ai cũng cần nắm rõ về AI, thậm chí với một số trường hợp, sử dụng AI còn là trở ngại.

Cuộc sống “lập trình”?

Cảnh báo của giới công nghệ, là hiện diện của AI ngày càng phổ biến, thậm chí đe dọa “cướp việc” nhiều người, làm thay đổi nhiều ngành nghề xã hội. Điều này hợp với nhu cầu sử dụng AI ngày càng tăng. Nhiều người thừa nhận “không thể rời chiếc điện thoại”, mà phía sau chính là sự hiện diện ngày càng rõ nét của công nghệ số, ứng dụng AI. Chụp một tấm hình, đăng một thông tin lên mạng, ai cũng cần trau chuốt, gọt dũa lại và AI song hành những nhu cầu đó.

“Cuộc sống của chúng ta đang bị lập trình”, anh Lê Thanh Trông nhận xét như vậy. Điều đó đang tỏ ngày càng có lý, khi mọi người dần định hình những nếp sinh hoạt, thời khóa biểu đều đặn. Với công việc hằng ngày, tính ổn định, phân công trách nhiệm dẫn nhiều người đến lựa chọn “đúng quy trình, quy chuẩn”. Học sinh làm bài tập, nhân viên hãng quảng cáo cần khai thác ý tưởng, hay một báo cáo viên cần hoàn thiện hồ sơ…, tất cả đều dễ dàng sử dụng AI để hoàn tất nhanh chóng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa: Internet

Các công cụ ứng dụng AI ngày càng phục vụ đắc lực thì “tính ỷ lại” càng phổ biến với mọi người. Anh Trông đánh giá, người ta càng dùng nhiều AI thì chúng lại càng học được nhiều và thông minh hơn, thuần thục hơn, nên sự “lấn lướt” của AI với kỹ năng của nhiều người sẽ ngày càng tăng. Chỉ cần tích hợp đủ dữ liệu, biết những “cú pháp” chính xác, người dùng sẽ có những kết quả làm việc nhanh gọn và thỏa đáng, mất vài chục phút thay vì hàng giờ trước đây.

Theo đó, với những người làm các công việc như: thư ký văn phòng, giáo viên hay người bán hàng, tổ chức dịch vụ xã hội, tra cứu dữ liệu pháp lý… cho đến quản lý một cửa hàng, quản đốc một phân xưởng đều cần nắm bắt, biết sử dụng một công cụ AI hỗ trợ và thay thế nào đó, nhằm giảm tải công việc, tiết kiệm thời gian, công sức cùng nhiều lợi thế cập nhật quản lý điều hành khác..

Chỉ có sáng tạo mới vượt được AI!

“Chỉ có sáng tạo mới vượt được AI” là nhận xét của một chuyên gia công nghệ nổi tiếng khi AI mới định hình và đến nay đã được xem là nền tảng cho việc mỗi người lựa chọn dùng AI đến mức độ nào. Theo đó, chỉ có những nghề đòi hỏi sự sáng tạo cao, tìm kiếm cái mới, đột phá về ý tưởng, hoặc trau chuốt sản phẩm liên quan đến cảm xúc của con người, mới có thể không cần dựa vào AI.

Cụ thể, với những người sáng tạo nghệ thuật, viết báo thì lời khuyên của giới công nghệ là “càng hạn chế AI càng tốt”. Căn nguyên vấn đề, là những bản tin thời sự, sự kiện hôm nay nhìn qua sẽ rất giống nhau, chỉ cần sử dụng cú pháp đặt lệnh cho AI, là có thể tạo ra hàng loạt bài viết có nội dung đạt yêu cầu, thậm chí so sánh dữ liệu còn xuất sắc hơn người viết. Điều này giải thích vì sao có nhiều trang tin, chuyên mục báo chí… đã dùng AI vào chế tác các nội dung bài viết truyền thông, quảng cáo… Nhiều hình ảnh, video do AI tạo ra cũng đã được các phương tiện truyền thông ưa chọn. Nhưng lời khuyên của các biên tập viên vẫn là hãy hạn chế dùng AI trong sáng tạo nội dung văn chương và báo chí. Bởi như một tổng biên tập tạp chí thời trang tại TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận: “Nếu bạn dùng AI tạo nội dung, bạn sẽ chỉ có những bài viết đều đều văn phạm, câu từ bay bướm mà rỗng tuếch, lời lẽ ngọt ngào ca tụng nhưng vô hồn vô vị. Sẽ không có độc giả nào chấp nhận những bài viết đó, đến lần thứ hai”.

Biên tập viên một tờ báo thời sự nổi tiếng chia sẻ, kinh nghiệm dùng AI cho các công việc viết lách, chỉ nên là yêu cầu AI hỗ trợ một “sườn dữ liệu” để phát hiện rõ đề tài hiện đang ở mức độ nào, có những đối tượng nào quan tâm. Sau đó, người viết “phải tự tay viết bài, từng chữ từng câu, đặt trúng từng dấu phẩy, thì mới có những bài viết giá trị, đúng thông tin, đúng cảm xúc”.

Với các bài viết văn hóa, thi ca, ý tưởng nghệ thuật về một chương trình sự kiện nào đó, giới chuyên môn cũng đề cao tính chất sáng tác, năng lực kỹ thuật trình bày, viết lách của người viết, chớ nên dựa vào công cụ AI để hoàn thành. “Bạn có thể khởi đầu bằng một thông tin, ý kiến có AI hỗ trợ, nhưng bạn phải kết thúc nó bằng chính bộ não tư duy và cảm xúc của mình”, bà Ngọc Bích, thành viên nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu Đà Nẵng khuyên.

Như vậy, tùy vào tính chất công việc, nhu cầu thể hiện, giao tiếp, tổ chức lao động, sử dụng thành quả… mà mỗi người nên lựa chọn mức độ tiếp cận, tìm hiểu và sử dụng AI hợp lý. Thực tế đến nay, mức độ phát triển AI vẫn chỉ mới là giai đoạn đầu, đang cho phép mỗi người có cơ hội lựa chọn và tích hợp sử dụng AI hiệu quả nhất vào công việc, đời sống, không nên từ chối, lại càng không nên lạm dụng.

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hạ tầng số đi trước “mở đường” chuyển đổi số
Hạ tầng số được xem “viên gạch” đầu tiên đặt nền móng để thúc đẩy chuyển đổi số. Vì vậy, tỉnh Đắk Lắk đã và đang tập trung đầu tư, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số.