"Giấc mơ bay" của hàng không Việt Nam nhìn từ chiếc máy bay TP-150
Những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện trang trọng hình ảnh chiếc máy bay đầu tiên sản xuất tại Việt Nam, mẫu máy bay huấn luyện quân sự TP-150.
Được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng Việt Nam 2024, TP-150 là kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Flying Legend, nhà sản xuất máy bay đến từ Ý. Flying Legend đã thành lập Công ty Cổ phần Flying Legend Việt Nam vào tháng 11/2023, trụ sở đặt tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất máy bay và máy móc hàng không. Đây là bước khởi đầu hết sức quan trọng trong hành trình phát triển ngành công nghiệp hàng không Việt Nam.
Khát vọng sản xuất máy bay đã luôn cháy bỏng trong tâm trí người Việt qua nhiều thế hệ. Từ những người nông dân tự mày mò chế tạo máy bay đến những đứa trẻ ngước mắt nhìn lên bầu trời ao ước một ngày được sải cánh tự do. Những chiếc máy bay tuổi học trò được gấp bằng giấy ngây thơ nhưng mang bao mộng mơ chính đáng. Kỷ niệm đó từng tồn tại trong mỗi chúng ta.
Từ ngày sang Mỹ, tôi nhiều lần đi qua nhà máy Boeing tại Everett (quận Seattle), nơi sản xuất những chiếc máy bay khổng lồ chinh phục bầu trời thế giới. Tôi đã hai lần phóng xe lạc đường vào cổng nhà máy. Đấy là những khoảnh khắc quá choáng ngợp trước quy mô đồ sộ và công nghệ tiên tiến bậc nhất nơi đây. Hình ảnh ấy khiến tôi nhớ về tuổi thơ, mỗi khi ngước mắt lên bầu trời ở một vùng quê sơn cước ngắm máy bay. Quê tôi ở miền núi Nghệ An, thường chỉ thấy máy bay phản lực quân đội tập luyện. Tôi ao ước một ngày được đi máy bay, "giấc mơ bay" ban đầu chỉ đơn giản là thế.
Máy bay huấn luyện quân sự TP-150 được sản xuất tại Việt Nam. Ảnh: VTC |
Thời gian trôi nhanh. Những chuyến bay đến mọi miền thế giới không còn xa lạ với cậu bé tôi năm xưa. Tại Mỹ, ngôi nhà của gia đình tôi chỉ cách hãng sản xuất Boeing một quãng. Bà con tôi và nhiều người Việt đang làm việc tại Boeing, đảm nhận các vị trí quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Điều này minh chứng cho trí tuệ, tài năng của người Việt.
Thật tuyệt vời khi tháng 9/2024, tại New York (Mỹ), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Boeing toàn cầu. Boeing cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ sinh thái công nghiệp hàng không và vũ trụ, mở ra cơ hội biến Việt Nam thành trung tâm bảo dưỡng và sản xuất linh kiện hàng không quy mô khu vực.
Thiết nghĩ, nếu có chính sách hợp tác tốt, Việt Nam vẫn rộng cửa để các hãng sản xuất máy bay lớn lựa chọn. Một chiếc máy bay hoàn thiện cần hơn 6 triệu linh kiện, vậy nên chúng ta cần sớm tham gia vào chuỗi cung ứng hàng không thế giới. Các kênh kết nối với họ phải cầu thị và đa dạng, nhờ hệ thống tham tán, đại sứ quán thương mại tại Việt Nam; các công ty, hiệp hội, các phòng thương mại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đặc biệt, nhờ đội ngũ Việt kiều yêu nước đang làm việc ở các hãng lớn hỗ trợ.
Tóm lại, TP-150 chỉ là nét phác thảo cho bức tranh hàng không Việt Nam trên hành trình cất cánh và vươn ra thế giới. Sẽ còn quá nhiều thử thách cho công nghệ hàng không Việt Nam, nếu chỉ dựa vào niềm tin và sự lạc quan. Muốn công nghiệp hàng không Việt Nam bay cao bay xa, đã đến lúc chúng ta phải "nói thật, làm thật, hợp tác thật" với các đối tác lớn.
Hữu Quý
(Từ Washington – Hoa Kỳ)
Ý kiến bạn đọc