Multimedia Đọc Báo in

Cần nhìn nhận lại các tiêu chí đô thị

08:30, 14/08/2021

Gần 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng các đô thị tại Việt Nam diễn ra khá nhanh; đặc biệt ở thập niên đầu thế kỷ 21, nhiều đô thị mới, thành phố mới được công nhận và phát triển. Trong đó, những đô thị có vị trí đặc thù như Buôn Ma Thuột với vị thế trung tâm vùng Tây Nguyên có tốc độ phát triển rất nhanh, tầm nhìn định hướng không ngừng chuyển đổi. 

Tổng hội Xây dựng Việt Nam vừa công bố một số yêu cầu, tiêu chí mới về đánh giá, phân loại các đô thị Việt Nam theo hướng cần thống nhất, định nghĩa rõ ràng hơn hệ thống các tiêu chí đô thị, tránh những trùng lặp hoặc khác biệt quá lớn. Nghiên cứu của Tổng hội cảnh báo, bởi những tiêu chí thiếu thống nhất và chưa bám sát thực tiễn phát triển của từng đô thị nên đã tạo tình trạng kích thích các địa phương chạy theo xu hướng mở rộng quy mô, làm lãng phí nguồn lực sử dụng đất đai, ảnh hưởng suy giảm chất lượng đô thị.

Tiêu chí mật độ dân số cho thấy, TP. Buôn Ma Thuột cần phải tăng mật độ lên gấp hai lần mới đáp ứng yêu cầu trở thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương. Yêu cầu này đòi hỏi địa phương phải có sự gia tăng mạnh mẽ về tốc độ đô thị hóa, tăng diện tích nhà ở đô thị và hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại hóa.

Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, cần rà soát, điều chỉnh hệ thống pháp luật, các tiêu chí đô thị Việt Nam để hỗ trợ hệ thống đô thị phát triển tích cực, phát huy được thế mạnh mỗi đô thị, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Các rà soát này gồm các yêu cầu lớn là: Phải đồng bộ các tiêu chí và tiêu chuẩn trong các văn bản pháp luật về đô thị; thống nhất về trị số tiêu chuẩn đánh giá đô thị; điều chỉnh hoặc loại bỏ các tiêu chuẩn không còn phù hợp; đảm bảo sự phù hợp của các tiêu chí với thực tiễn phát triển đô thị địa phương; và xây dựng tiêu chuẩn định lượng cho các đô thị đặc thù.

Điểm đáng chú ý về phát triển đô thị nằm ở yêu cầu là làm sao xây dựng các tiêu chí đô thị phù hợp thực tiễn địa phương và có tính đặc thù. Đối chiếu với thực tế dịch bệnh toàn cầu đang gây tác động, đây là yêu cầu cần thiết để các đô thị phát triển có sự điều chỉnh hợp lý hơn, tự khai phá thế mạnh riêng mà vẫn bảo đảm các tiêu chuẩn định vị đô thị.

Đơn cử về quy mô dân số giữa các loại đô thị, nếu căn cứ Nghị quyết 1210 phân loại đô thị theo các tiêu chí và tiêu chuẩn mang tính kỹ thuật và Nghị quyết 1211 phân loại đơn vị hành chính đô thị theo các tiêu chuẩn để phục vụ quản lý hành chính (của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2016), để nâng chuẩn một đô thị sẽ phải mất nhiều năm mới có đủ yêu cầu về dân số. TP. Buôn Ma Thuột với quy mô dân số hơn 502 nghìn người, muốn lên đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, chiếu theo Nghị quyết 1211, phải tăng dân số đến hai lần. Việc này chỉ có thể dựa vào di dân hay sáp nhập địa giới hành chính bằng cách mở rộng đô thị, lấy thêm dân cư các vùng phụ cận thành dân cư đô thị.

Nhiều khu đô thị mới được đầu tư xây dựng tại TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia

Tuy nhiên, nếu nhìn lại thực trạng diễn biến dịch bệnh COVID-19, các nhà chuyên môn cho rằng, cần có sự điều chỉnh lại các chỉ số tăng trưởng này để tạo cơ sở bền vững hơn cho những đô thị như TP. Buôn Ma Thuột trong tương lai.

Dù tạm thời đến nay chưa đủ điều kiện để giới chuyên môn có được đánh giá tổng hợp về hiệu ứng dịch bệnh tác động vào các chỉ số tăng trưởng đô thị, nhưng có thể xác định một số yêu cầu cần thiết phải thay đổi như: mật độ dân cư trên diện tích xây dựng nhà ở phải giảm để giãn cách an toàn; hệ số đất dành cho khoảng không, cây xanh, hạ tầng tại đô thị phải tăng lên… Rất nhiều yêu cầu mới về không gian ở các công trình, về cao tầng, chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng… sẽ phải nghiên cứu thay đổi để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu mới trong điều kiện môi trường ngày càng bị suy thoái…

Một chuyên gia tư vấn quy hoạch đô thị miền Trung – Tây Nguyên chia sẻ, chỉ nói đơn giản các khu vực đấu nối giao thông, dịch bệnh COVID-19 sẽ đề ra yêu cầu cần có những hạng mục nút kiểm soát giao thông tự động, cách ly giao thông khi có dịch bệnh tái diễn. Thiết kế phân luồng, giãn cách tại các bệnh viện, trường học, cơ quan xí nghiệp cũng phải khác đi. Mỗi căn hộ chung cư, nhà ở thương mại phải tính đến những vùng đệm sinh khí an toàn, khu vực sinh hoạt chung, cổng kiểm soát, hệ thống y tế tại chỗ cho dân cư… Như thế, một loạt tiêu chí mới về đô thị an toàn phải được đặt ra trong vấn đề phát triển đô thị ở tương lai.

Những đô thị đặc trưng vùng như TP. Buôn Ma Thuột còn nên tính đến hệ thống kho hàng hóa nông sản, bảo quản sản phẩm, chợ đầu mối để dự trữ trong điều kiện dịch bệnh lây lan, phải chủ động phân luồng hàng hóa, giãn cách dân cư tại các khu đô thị mới hình thành… thì mới có thể bảo đảm phát triển đô thị vừa hiện đại vừa tuân thủ tốt các tiêu chí môi trường, dịch tễ bền vững…

Một hệ thống y tế toàn diện hơn, hệ thống giáo dục thể chất tích cực và hiện đại hơn, một hệ thống hạ tầng dân sinh bảo đảm phòng ngừa rủi ro cao hơn cho dân cư đô thị… sẽ là những yêu cầu khắt khe và nghiêm túc cho TP. Buôn Ma Thuột tương lai, để nới đây thực sự trở thành tâm điểm an toàn cho người dân..

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.