Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo tình trạng trục lợi từ chính sách ưu đãi về xuất nhập khẩu hạt điều thô

08:47, 28/08/2021

Thời gian qua, lợi dụng chính sách ưu đãi về thuế suất, nhiều doanh nghiệp (DN) đã nhập khẩu một cách ồ ạt hạt điều nguyên liệu (hạt điều thô, hạt điều chưa bóc vỏ) từ nước ngoài về Việt Nam nhưng không chế biến để xuất khẩu mà chỉ bán sang tay, không có hợp đồng, không xuất hóa đơn, chứng từ.

Điều này không chỉ làm thất thu ngân sách nhà nước mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến nền sản xuất trong nước và đời sống của nông dân trồng điều.

Từ một nước xuất khẩu hạt điều thô với số lượng thấp, trong 15 năm liên tiếp từ năm 2006, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu nhân điều số 1 thế giới và hoàn toàn làm chủ công nghệ, thiết bị chế biến. Có thể nói, những giá trị mang lại từ trồng trọt, sản xuất, chế biến và xuất nhập khẩu hạt điều ở nước ta là rất lớn. Vì vậy, Nhà nước luôn có những chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy lĩnh vực này phát triển, trong đó nổi bật nhất là mức ưu đãi về thuế suất cả trong nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu thành phẩm ra nước ngoài, kèm với đó các cơ chế, thủ tục liên quan ngày càng đơn giản, hiệu quả.

Tuy nhiên, những năm gần đây đã có nhiều DN lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước để trục lợi bất chính. Ban đầu, các DN sẽ tạo lập cơ sở nhằm đáp ứng điều kiện nhập khẩu và từng bước tạo niềm tin đối với cơ quan quản lý. Sau khi đảm bảo được các điều kiện theo quy định, DN sẽ tiến hành nhập khẩu một lượng hạt điều thô vừa phải và tiến hành chế biến, xuất khẩu rất nghiêm túc. Nhưng đến những lần sau, những DN đó bắt đầu tìm mọi cách để nhập khẩu số lượng lớn rồi lén lút tiêu thụ trái phép trong nước, không thông qua hợp đồng mua bán, không hóa đơn, chứng từ nhằm trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế. Theo số liệu của cơ quan hải quan, từ năm 2017 đến đầu năm 2021, cả nước đã nhập khẩu trên 5 triệu tấn hạt điều thô, chủ yếu là từ các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Phi nhưng hiện chỉ xuất khẩu chưa đến 1 triệu tấn. Ước tính số hạt điều nguyên liệu đang tồn trong nước có trị giá lên hơn 13.000 tỷ đồng.

Nông dân huyện Cư M’gar thu hoạch điều trồng xen trong vườn cà phê. Ảnh: Đỗ Lan

Đơn cử mới đây nhất, cơ quan hải quan đã phát hiện vụ việc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản Thái Bình nhập khẩu 11.000 tấn hạt điều thô từ châu Phi có giá trị hơn 440 tỷ đồng. Lẽ ra số hạt điều thô này phải được chế biến để trở thành sản phẩm tiêu dùng trong nước hoặc xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng DN lại chỉ bán sang tay cho các tổ chức, cá nhân khác. Theo kiểm tra thì DN không xuất trình được hợp đồng mua bán hay hóa đơn, chứng từ theo quy định. Hành vi này của DN đã gây thất thu cho Nhà nước số thuế gần 21 tỷ đồng.

Căn cứ nội dung tại Phụ lục II Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thế, kèm theo Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16-11-2017 của Chính phủ, đối với hạt điều chưa bóc vỏ thì thuế suất nhập khẩu là 5%. Tuy nhiên, hiện nay, nếu nhập khẩu từ các nước trong khu vực ASEAN thì sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Rất có thể các DN đang lợi dụng chính sách ưu đãi này, mượn đường từ Campuchia để nhập khẩu vào Việt Nam. Thế nên, trong 5 tháng đầu năm 2021 đã có tình trạng tăng đột biến số lượng hạt điều thô nhập khẩu từ Campuchia.

Rõ ràng, các đối tượng đang lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước về xuất nhập khẩu hạt điều thô để thực hiện nhiều hành vi thu lợi bất chính như: buôn lậu, giả dạng xuất xứ, trốn thuế…

Đây là thực trạng rất đáng báo động, nếu không kịp thời có những biện pháp để kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu loại nguyên liệu này thì sẽ có nguy cơ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế, cụ thể có thể phát sinh những cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN sản xuất, chế biến và xuất khẩu hạt điều; gây tổn hại đến thị trường tiêu dùng trong nước, đến thương hiệu hạt điều Việt Nam; đồng thời làm thất thu ngân sách, ảnh hưởng tới đời sống, thu nhập của các hộ nông dân trồng điều.

Nhật Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.